Vẫn giữ quy định mổ 10 con lợn cũng phải làm giấy phép môi trường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08 năm 2022. Tuy nhiên, quy định mổ từ 10 con lợn trở lên phải có giấy phép môi trường vẫn giữ nguyên.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Việc sửa đổi, bổ sung này được thực hiện chỉ sau hơn một năm Nghị định 08 có hiệu lực (ngày 10/1/2022).

Với dự thảo mới, quy định về môi trường trong ngành giết mổ gia súc, gia cầm vẫn giữ nguyên.

Cụ thể, việc giết mổ gia súc quy mô từ 10 đến dưới 100 con/ngày, giết mổ gia cầm từ 100-1000 con/ngày được xếp vào nhóm gây ô nhiễm môi trường công suất nhỏ, tương đương nhà máy sản xuất bia, nước giải khát có công suất từ 50.000 đến dưới 1 triệu lít sản phẩm/năm, hay một nhà máy chế biến thủy, hải sản công suất từ 100 đến dưới 1.000 tấn/năm.

Với quy định này, việc giết mổ từ 10 con lợn hay từ 100 con gà trở lên phải làm giấy phép môi trường do UBND cấp huyện thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường.

Vẫn giữ quy định mổ 10 con lợn cũng phải làm giấy phép môi trường ảnh 1

Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 08 năm 2022 vẫn giữ nguyên quy định mổ từ 10 con lợn phải có giấy phép môi trường.

Đặc biệt, nếu dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường như nội thành, nội thị… thì bị xếp vào nhóm II - dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường với quy định làm giấy phép môi trường do UBND tỉnh cấp phép.

Trong đó phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường như có công trình, biện pháp thu gom nước thải, có kế hoạch quản lý và giám sát môi trường. Quy định này đã được chuyên gia nhận định là ít tính khả thi khi triển khai thực tế.

Ngoài ra, một số vấn đề được sửa đổi lần này, trong đó có việc thay đổi quy mô dự án chăn nuôi phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

Cụ thể, Nghị định 08 đang quy định, dự án có quy mô từ 1000 đơn vị vật nuôi trở lên thuộc nhóm công suất lớn, báo cáo đánh giá tác động môi trường phải do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

Vẫn giữ quy định mổ 10 con lợn cũng phải làm giấy phép môi trường ảnh 2

Các dự án chăn nuôi có quy mô từ 1000-2999 đơn vị vật nuôi sẽ không phải nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường lên Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dự thảo Nghị định mới đề xuất, dự án chăn nuôi quy mô từ 3000 đơn vị vật nuôi sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt báo cáo tác động môi trường. Như vậy, các dự án chăn nuôi có quy mô từ 1000-2999 đơn vị vật nuôi sẽ không phải nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường lên Bộ Tài nguyên và Môi trường như quy định của Nghị định 08.

Lý giải về thay đổi này, tờ trình dự thảo Nghị định nêu, quá trình tổ chức thực hiện cho thấy số lượng dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp có công suất trên 1.000 đơn vị vật nuôi hiện nay có số lượng khá lớn.

Do đó, nhằm tạo sự chủ động của địa phương trong kiểm soát các vấn đề môi trường, đồng thời giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho chủ dự án, việc rà soát, nâng mức công suất của loại hình này nhằm phân quyền mạnh hơn cho các địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính là cần thiết.

Nghị định cũng tăng quyền cho các địa phương trong việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và thiết bị quang học (có một trong các công đoạn mạ, sơn phủ, làm sạch bằng hóa chất, sản xuất linh kiện) và sản xuất thiết bị điện (có một trong các công đoạn: mạ, sơn phủ, làm sạch bằng hóa chất, có sử dụng lò hàn, sản xuất linh kiện).

Theo đó, chỉ các dự án sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và thiết bị quang học có quy mô từ 7 triệu sản phẩm/năm và dự án sản xuất thiết bị điện có quy mô từ 7000 tấn sản phẩm trở lên mới thuộc dự án công suất lớn, do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên, dự án có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Về đối tượng phải cấp giấy phép môi trường cũng có sự thay đổi, trong đó giảm đối tượng là các trụ sở cơ quan hành chính.

Việc lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08 sẽ kết thúc vào ngày 4/11.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.