Nghị định 08/2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường quy định ngành chế biến thủy hải sản, giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp thuộc danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (phụ lục II), xếp chung với các ngành tái chế, xử lý chất thải nguy hại; sản xuất xi măng, pin, ắc quy...
Việc giết mổ từ 10 con lợn hay chăn nuôi từ 10 con trâu bò trở lên phải có giấy phép môi trường gây ra nhiều băn khoăn, lúng túng. Ảnh: Nam Khánh |
Việc giết mổ gia súc quy mô từ 10 đến dưới 100 con/ngày, giết mổ gia cầm từ 100-1000 con/ngày được xếp vào nhóm gây ô nhiễm môi trường công suất nhỏ, tương đương nhà máy sản xuất bia, nước giải khát có công suất từ 50.000 đến dưới 1 triệu lít sản phẩm/năm, hay một nhà máy chế biến thủy, hải sản công suất từ 100 đến dưới 1000 tấn/năm. Với quy định này, việc giết mổ từ 10 con lợn hay từ 100 con gà trở lên phải làm giấy phép môi trường do UBND cấp huyện thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường.
Nếu dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường như nội thành, nội thị… thì bị xếp vào nhóm II - dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường với quy định làm giấy phép môi trường do UBND tỉnh cấp phép. Trong đó phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường như có công trình, biện pháp thu gom nước thải, có kế hoạch quản lý và giám sát môi trường.
Nghị định cũng quy định, giết mổ từ 100 con lợn hoặc từ 1000 con gà được xếp vào nhóm gây ô nhiễm môi trường công suất trung bình, tương đương nhà máy sản xuất bia, nước giải khát từ 1-30 triệu lít/năm hay một nhà máy chế biến thủy, hải sản công suất từ 1.000-20.000 tấn sản phẩm/năm. Với quy định này, việc cấp giấy phép môi trường sẽ do UBND tỉnh cấp. Đặc biệt nếu có yếu tố nhạy cảm đến môi trường như nội thành, nội thị… thì bị được xếp vào dự án đầu tư nhóm I, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Nhiều quy định mơ hồ, khó hiểu
Về quy định quy mô giết mổ, gia súc từ 10 con, gia cầm từ 100 con trở lên phải làm giấy phép môi trường, đại diện Tổng cục Môi trường nói rằng, dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nói trên chỉ thuộc đối tượng phải có giấy phép về môi trường khi phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường thì phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định (Khoản 1, Điều 39, Luật Bảo vệ môi trường).
Theo chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng, cách giải thích như vậy rất chung chung, chỉ đúng về nguyên tắc vì trên thực tế tất cả các ngành nghề quy định trong danh mục II đều phát sinh chất thải và có nguy cơ gây ô nhiễm phải thực hiện các quy định về môi trường.
Ông Tùng cho rằng, nên có giải thích rõ hơn, cụ thể hơn về một số quy định trong Phụ lục II tạo điều kiện triển khai thống nhất trên thực tế. Ví dụ, danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nêu ngành chăn nuôi quy mô công nghiệp nhưng thế nào là quy mô công nghiệp lại chưa rõ (Luật Chăn nuôi chỉ quy định quy mô trang trại hoặc nông hộ).
Nếu nuôi 10 con bò (tương đương 10 đơn vị vật nuôi) hoặc giết mổ trung bình 10 con lợn hay 100 con gà/ngày mà phải đến UBND huyện hay tỉnh để làm giấy phép môi trường thì ít tính khả thi. Hiện nay cũng không có định nghĩa nội thành nội thị trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xây dựng, quy hoạch đô thị.