Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI:

Vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới, bám sát thực tiễn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội.
TP - Sáng 1/11, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, khai mạc. Tham dự Đại hội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng Nhà nước, Mẹ Việt Nam Anh hùng… cùng 495 đại biểu đại diện hơn 39 vạn đảng viên Thủ đô.

Kiên quyết đẩy lùi bệnh hình thức

Phát biểu khai mạc Đại hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, trong 5 năm qua, kinh tế-xã hội trên địa bàn tiếp tục phát triển; xây dựng, quản lý đô thị có nhiều tiến bộ; phát triển nông nghiệp và nông thôn đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; chính trị - xã hội trên địa bàn luôn ổn định…

Theo người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội, những thành tựu trên có vai trò, đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành, chủ thể của sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. “Thực tiễn đã chứng minh, mọi công việc nếu được nhân dân đồng tình, ủng hộ, chung sức, đồng lòng thì dù khó khăn đến mấy cũng đều vượt qua, công việc phức tạp đến mấy cũng đạt kết quả tốt đẹp… Mọi công việc đều phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân; kiên quyết đẩy lùi bệnh hình thức “nói không đi đôi với làm”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trục lợi, cá nhân chủ nghĩa”, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.

Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 của Hà Nội: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 8,5 - 9%; Cơ cấu kinh tế năm 2020 theo hướng: Dịch vụ 61 - 62%, công nghiệp - xây dựng 35 - 36,5%, nông nghiệp 2,5 - 3%; GRDP bình quân 140 - 145 triệu đồng/người…

Tham luận “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Trần Trọng Dực gây ấn tượng với bài nói vo, không cần văn bản chuẩn bị trước và nhiều lần nhận được sự tán đồng của Đại hội qua những tiếng vỗ tay. Ông Dực cho rằng, bệnh thành tích, sợ khuyết điểm đang diễn ra phổ biến. Công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình trong một số cấp ủy và tổ chức đảng chưa thật sự thẳng thắn. Tình trạng nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý, sợ mất lòng vẫn còn diễn ra dẫn đến bằng mặt mà không bằng lòng. Trong hội nghị thì biểu quyết nhất trí cao, nhưng ra ngoài thì nói ngược lại, đang làm xói mòn lòng tin đối với Đảng.

   

Do vậy, thời gian tới, dân chủ trong Đảng phải tiếp tục được mở rộng; bản lĩnh và trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh tự phê bình và phê bình với ý thức xây dựng phải được đề cao. Đây là vấn đề mấu chốt quyết định sự vững mạnh và trường tồn của Đảng. Ông Dực cho biết, 5 năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã thực hiện 13 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 274 lượt cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Thành ủy và cấp ủy các sở, ngành thành phố.

 Sau kiểm tra, Thành ủy đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND Thành phố rà soát lại 152 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, diện tích đất đối ứng do nhà đầu tư đề xuất lên đến 24.000 ha nhưng chỉ chấp thuận cho triển khai tiếp 81 dự án. Trong đó 11 dự án phải giãn tiến độ đến sau năm 2020, diện tích đất đối ứng rút xuống chỉ còn 2.400 ha, giảm tới 10 lần.

Vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới, bám sát thực tiễn ảnh 1 Bỏ phiếu bầu BCH Đảng bộ khóa XVI.

Đề cao lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung

Trình bày Báo cáo Chính trị tại Đại hội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo cho biết, trong nhiệm kỳ qua công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được chú trọng và có chuyển biến tốt hơn. Việc quản lý đô thị, chấn chỉnh trật tự, kỷ cương xây dựng, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự, văn minh đô thị được tăng cường, nhất là sau hơn 2 năm thực hiện “Năm trật tự, văn minh đô thị”. 

Tuy nhiên, ông Thảo cũng thẳng thắn thừa nhận, trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô. Quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn yếu kém. 

Việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu chung cư cũ trong nội thành còn chậm và còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trường đại học, bệnh viện ra ngoài khu vực nội đô cũ chưa bảo đảm tiến độ; tỷ lệ giãn dân khu vực nội đô lịch sử còn thấp…

 Nguyên nhân do sự phối hợp giữa ngành với ngành, ngành với cấp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện một số công việc, lĩnh vực được phân công, phân cấp, ủy quyền còn bị động, thiếu chặt chẽ, hiệu quả thấp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được trong thời gian qua: Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011 - 2015 tăng 9,3%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. 

Quy mô GRDP năm 2015 đạt trên 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010… Đảng bộ Hà Nội đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, bám sát thực tiễn phong phú, sinh động của Thủ đô; đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, tạo sự chuyển biến toàn diện, rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội Thủ đô.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém, điển hình như kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh chưa cao; chuyển dịch cơ cấu còn chậm so với yêu cầu. 

Quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường một số mặt chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn. Phát triển văn hóa - xã hội chưa thực sự xứng tầm với vai trò, tiềm năng, vị thế của Thủ đô. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả mong muốn. 

Những biểu hiện suy thoái, tiêu cực trong Đảng, trong xã hội, nhất là về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa được ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý Hà Nội cần phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, vai trò, vị thế của Thủ đô, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chủ động phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh, những thành tựu và kinh nghiệm từ tổng kết thực tiễn. Thực hiện tốt chủ trương cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược.

“Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, tôn trọng pháp luật”, Tổng Bí thư nói. Tổng Bí thư yêu cầu Đảng bộ Hà Nội phải đặc biệt chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp của thành phố trong sạch, vững mạnh. Kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác trong cán bộ, đảng viên.

Thành ủy viên trẻ nhất sinh năm 1979

Chiều qua, Đại hội đã tiến hành bầu Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tại buổi họp báo chiều 1/11, trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về nhân sự trẻ nhất trúng cử BCH, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, ủy viên trẻ nhất được bầu vào BCH Đảng bộ Hà Nội nhiệm kỳ XVI là Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1979. Ông Phong cho biết, tại Đại hội không có ai tự ứng cử và đề cử thêm ngoài danh sách để bầu do BCH khóa XV chuẩn bị là 85 người (số dư 14,8%). BCH khóa mới gồm 76 người nhưng đại hội chỉ bầu 74, dành 2 vị trí bổ sung sau. Trong hai vị trí này, một vị trí là Bí thư Thành ủy khóa mới - nhân sự do Bộ Chính trị quyết định.

“Đại hội đã bầu một lần đủ 74 người với số phiếu rất tập trung. Kết quả cụ thể về nhân sự 74 ủy viên BCH sẽ được công bố chính thức vào sáng 2/11”, ông Phong cho biết thêm.

Ngay sau khi có kết quả bầu cử, BCH Đảng bộ thành phố khóa XVI đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất để bầu Ban Thường vụ, Phó Bí thư Thành ủy và Chủ nhiệm UBKT Thành ủy.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt: Lựa chọn được người có tầm, có tâm

Hà Nội là Thủ đô, trung tâm của cả nước nên phải đi đầu, trước hết là xây dựng được Đảng bộ có trí tuệ, tri thức, phát huy khối đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân, chống và khắc phục cho được nạn tham nhũng, tiêu cực. Nhân tố con người luôn là quan trọng nhất, bởi vậy tôi mong Hà Nội sẽ lựa chọn và có được những người có tầm, có tâm, có tín nhiệm cao với nhân dân. Trong việc lựa chọn cán bộ trẻ, phải hết sức lưu ý những người có đủ sự trưởng thành, đủ thực tiễn và kinh nghiệm để gánh vác công việc, đồng thời đủ tín nhiệm chứ không phải trẻ hóa đơn thuần theo tuổi tác.

Bí thư huyện Đoàn Sóc Sơn Đoàn Hiệp (Đại biểu trẻ nhất dự Đại hội): Tôi ủng hộ lãnh đạo trẻ được bổ nhiệm các vị trí quan trọng

Là đại biểu trẻ nhất dự Đại hội, tôi rất vui mừng với kết quả phát triển của Thủ đô và mong muốn Đại hội Đảng bộ Hà Nội sẽ thành công tốt đẹp. Thời gian qua rất nhiều lãnh đạo trẻ được bổ nhiệm các vị trí quan trọng, cá nhân tôi rất ủng hộ, các đồng chí đó đều đảm bảo tiêu chuẩn, có quá trình đào tạo cơ bản, phấn đấu được cấp ủy ghi nhận. Hy vọng các thế hệ trẻ sẽ mang hết nhiệt huyết, trí lực, tiềm lực để phát huy cống hiến cho các tỉnh thành cả nước. Cá nhân tôi sẽ thể hiện đúng chức năng dự Đại hội là lựa chọn đúng đại biểu đủ đức, đủ tài vào Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVI.   

Dũng Nguyễn (ghi)

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.