Thâm nhập “thủ phủ”… “cò đất”
Khoảng tháng 9/2017, mảnh đất Vân Đồn vốn yên ả, trầm mặc nét rêu phong của một thương cảng “hết thời” bỗng nhiên sôi động kỳ lạ. Hàng chục dự án triệu đô được khởi công xây dựng. Trên bờ, dưới biển đâu đâu cũng trở thành đại công trường hoành tráng chuẩn bị cho một đặc khu xứng tầm với vị thế của con rồng Đông Bắc.
Lượng người đến Vân Đồn ngày càng đông, người làm công, người buôn bán và đặc biệt là số lượng “cò đất” ở đây tăng đột biến. Trên phố, từng hàng dài xế hộp hạng sang đậu kín đường, người ta chỉ nói chuyện với nhau về những dự án triệu đô, những mảnh đất tiền tỷ.
Chỉ trong vòng vài tháng, giới “cò đất” đến từ mọi miền đã khuấy động mảnh đất Vân Đồn lên cơn sốt, cơn co giật theo giá đất từng ngày. Những mảnh đất thổ cư trước đây chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu/1m2, đã bị đội giá lên hàng chục triệu đồng. Đất bị thổi giá từng giờ, mua bán trao tay cũng kiếm được vài trăm triệu tiền lãi, thậm chí tiền tỷ.
Thời điểm tháng 11/2017, Tiền Phong có bài “Vân Đồn ‘quay cuồng’ trong cơn sốt đất” phản ánh tình trạng bong bóng giá đất và các mánh khóe đội giá của giới đầu cơ tại Vân Đồn. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã liên tục ra các chỉ đạo cấp bách để quản lý đất đai trên địa bàn huyện Vân Đồn. Cụ thể, cuối tháng 11/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản gửi UBND huyện Vân Đồn, Ban Quản lý khu kinh tế... và Công an tỉnh theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình an ninh trật tự, thu thập xác minh thông tin về việc tổ chức cá nhân nhận chuyển nhượng đất trái quy định trên địa bàn.
Bẵng đi vài tháng, giá đất tại Vân Đồn dường như chững lại và có dấu hiệu hạ nhiệt khi cơ quan chức năng vào cuộc. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, gần đây giá đất Vân Đồn lại được thổi giá và tình trạng “cò đất” lộng hành tái diễn. Nếu như năm 2017, đất chỉ sốt tại một số vị trí gần trung tâm huyện và tại các dự án đang được khởi công, từ đầu năm nay đất còn lên cơn sốt ra tận các xã đảo Quan Lạn, Minh Châu… nơi có những dự án khủng đang chờ khởi công.
“Nói giá đất Vân Đồn bình ổn là không đúng, vì nó chỉ chững lại bởi các nhà đầu cơ, họ muốn chắc chắn hơn và chọn những vị trị hợp lý để đầu tư, thổi giá. Hiện tại có hàng trăm mối đầu tư thường trực tại Vân Đồn, chỉ cần có đất là tay trao tay không cần thủ tục rườm rà, phức tạp” – Anh N. V. T. một chuyên gia trong giới buôn tại Vân Đồn đất tiết lộ.
Theo lời kể của anh T. phóng viên Tiền Phong đã có dịp thâm nhập vào “tụ điểm” giao dịch của giới buôn đất tại Vân Đồn. Ngay đối diện UBND huyện Vân Đồn, quán cafe Nắng luôn chật cứng người, người mua, người bán thường tập trung tại đây để mua bán, trao đổi những mảnh đất đã được làm giá. Lượng “cò mồi” cũng thường xuyên lui tới “tăm tia” cho giới đầu cơ những mảnh đất họ nắm được.
Theo anh T. lượng tiền được giao dịch tại đây có ngày lên tới vài chục tỷ đồng, thậm chí vài trăm tỷ đồng. Họ giao dịch rất nhanh gọn, chỉ cần có lãi là ngay lập tức trao tay. Có những mảnh đất vừa được bán đi đã có người mua lại với giá cao hơn vài trăm triệu chỉ trong vài giờ.
Trong khi đang chờ Quốc hội thông qua Luật về 3 đặc khu, Vân Đồn đang đứng trước một cơ hội phát triển vượt bậc. Những hy vọng về một đặc khu cất cánh, sau cuộc đợi chờ hơn 20 năm, mọi nguồn lực, quan tâm đang đổ dồn về Vân Đồn. Nhưng những cơn “sốt đất” cũng đang làm Vân Đồn phải loay hoay tìm hướng tháo gỡ. Nỗi lo về những bong bóng giá đất vỡ tan sẽ kéo theo muôn vàn khó khăn cho tiềm lực phát triển kinh tế lâu dài của Vân Đồn.