Em Phương Anh, học sinh trường THPT Marie Curie (Hà Nội) cho biết: Đề thi môn địa lý sáng nay khá dễ; các dạng câu hỏi khá quen thuộc với học sinh.
“Hầu hết các câu hỏi trong đề thi đều có thể sử dụng Atlat. Đề thi có những câu hỏi dễ ăn điểm như câu 1, câu thứ 3. Riêng câu hỏi cuối muốn làm tốt phải học kĩ bài trong sách. Câu vẽ biểu đồ cũng dễ ăn điểm. Nói chung, đề này không quá khó để đạt 6-7 điểm”, Phương Anh cho biết.
Trong khi đó, thí sinh Cao Văn Đài (Hà Nội) dự thi tại cụm thi ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho biết em phải sử dụng hết 180 phút để hoàn thành bài thi.
“Với cuốn Atlat được mang vào phòng thi, em giải được khoảng 50-60% câu hỏi của đề thi”.
Nhiều thí sinh vận dụng Atlat đã có thể làm được 60% yêu cầu của đề thi. Ảnh: Nguyễn Dũng
Tại TP.HCM, kết thúc môn thi Địa lý, nhiều thí sinh hớn hở vì đề thi tương đối dễ.
Ghi nhận tại điểm thi trường ĐH Công Nghiệp TPHCM, nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi sau khi kết 2/3 thời gian làm bài thi. Thí sinh Lưu Thị Xuân Quỳnh, học sinh lớp 12 trường THPT Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cho biết: “Đề thi dễ quá, em làm bài mà chưa hết 2/3 thời gian đã xong”.
Theo Quỳnh, đề thi năm nay nhẹ nhàng, không đánh đố. "Đề thi đề cập tới chủ quyền biển đảo. Vấn đề này được chúng em ôn luyện khá kỹ nên hầu như các bạn trong phòng ai cũng làm được. Dự đoán bài này chắc em trên 7 điểm”, Quỳnh kể.
Đề thi năm nay tương đối dễ
Theo cô Phùng Thanh Thảo, tổ trưởng tổ Xã hội, trường THPT Anhxtanh Hà Nội nhận định, đây là đề thi hợp lý cả về kiến thức và kỹ năng, thích hợp để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Đề có cấu trúc như đề thi minh họa, nhưng sắp xếp lại rõ ràng mạch lạc hơn.
Cũng theo cô Thảo, đây là đề thi dễ và giảm được việc học thuộc lòng của thí sinh.
Câu hỏi 1: kiến thức nằm hoàn toàn trong sách giáo khoa (SGK), câu hỏi dễ, không cần phải tư duy để trả lời; Câu 2 thì câu trả lời dựa hoàn toàn vào Atlat, các em chỉ cần thành thạo kĩ năng đọc bản đồ đã có thể trả lời rất dễ dàng và đây là câu “ăn điểm” tuyệt đối cho các em.
Ở câu 3: Đề thi yêu cầu rất rõ ràng: vẽ biểu đồ kết hợp (giữa cột chồng và đường) nên học sinh sẽ đạt điểm tuyệt đối ở câu này nếu các em vẽ đúng, rõ ràng và khoa học.
Còn ở câu 4, đòi hỏi các em cần có tư duy, logic, kết hợp cả kiến thức có trong SGK và kiến thức thực tế để trả lời. Đây là câu hỏi hay, đánh giá được năng lực của học sinh.
"Đề thi vừa sức với trình độ của học sinh, nội dung các câu hỏi không khó và nằm hoàn toàn trong chương trình SGK, chỉ cần học sinh ôn luyện chăm chỉ thì bài làm sẽ đạt trên 70%. Đề thi năm nay tương đối dễ"- Cô Thảo cho biết thêm.
Chiều nay, thí sinh tiếp tục dự thi môn Hóa (90 phút)