>> Nhiều nhóm lao động Việt Nam từ Libya đến Cairo
Những người lao động đầu tiên trở về Việt Nam ngày 26-2.Ảnh: H.Cẩm |
Thấp thỏm đợi chờ
Đúng 4 giờ sáng qua, chuyến bay mang ký hiệu SHJ của hãng hàng không quốc gia Bồ Đào Nha đáp xuống sân bay Nội Bài. Đây là 176 lao động Việt Nam đầu tiên của Cty Vinaconexmex được di tản ra khỏi Libya an toàn sau các cuộc biểu tình đẫm máu tại quốc gia Bắc Phi này.
Có mặt tại sân bay Nội Bài suốt từ 2 giờ sáng ngày 24-2 đến rạng sáng ngày 26-2, PV Tiền Phong đã chứng kiến nhiều người nhà lao động thấp thỏm lo âu khi thời điểm hạ cánh của chuyến bay đầu tiên mang theo lao động Việt Nam về nước luôn thay đổi.
Theo thông tin ban đầu, 176 lao động của Cty Vinaconexmex sẽ về đến Việt Nam lúc 4 giờ 40 phút ngày 25-2; nhưng đến hết ngày 25 vẫn không có tín hiệu nào cho thấy có lao động Việt Nam về nước. Cả lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và Cty Vinaconexmex cũng hoàn toàn bị động và không biết chính xác chuyến bay sẽ về đến Việt Nam thời điểm nào.
Trước thông tin tù mù về chuyến bay, nhiều người thân của lao động thức trắng đêm tại sân bay trong tình trạng lo âu, mệt mỏi. Cuối cùng, đến 4 giờ 25 phút, lao động đầu tiên bắt đầu xuất hiện tại khu nhận hành lý của sân bay Nội Bài.
Ngay sau khi xuống sân bay, Cty Vinaconexmex đã bố trí xe ô tô đón lao động về trung tâm đào tạo nghề của Cty cách đó 2 Km. Theo ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó GĐ Cty Vinaconexmex, trước mắt, Cty sẽ hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng để mua vé xe về quê.
Niềm vui của lao động Đỗ Quang Tin (Nam Sách, Hải Dương) khi về đến Việt Nam. Ảnh: P.Cầm |
Nhiều lao động đang thiếu thức ăn
Lê Đức Anh (Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại những gì đã chứng kiến ở Thủ đô Tripoli (Libya). Anh cho biết, đã sang Libya làm việc được gần một năm. Theo Anh, những ngày qua, tình hình tại thủ đô Tripoli rất phức tạp. Hàng nghìn lao động nước ngoài cũng như Việt Nam đang sống trong hoảng loạn do thiếu thức ăn và nước uống.
"Tối ngày 26-2, có một đoàn công tác lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ, đón hơn một nghìn lao động Việt Nam đã tập hợp ở đây nhưng chưa có vé máy bay về nước. Đoàn công tác mang theo lương thực, nước uống hỗ trợ lao động. Quan điểm của Ban chỉ đạo là bằng mọi cách sẽ đưa lao động của chúng ta về nước an toàn. " - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân. |
“Đói khát cộng với nạn trộm cắp khiến nhiều người tiều tụỵ”- Anh nói. Anh là một trong số 176 lao động may mắn được di tản sớm khỏi Libya vào chiều ngày 24-2 sang Malta bằng máy bay.
Tuy nhiên, đến chiều 24-2, tại sân bay Tripoli, vẫn còn hàng ngàn người, trong đó có lao động Việt Nam, đang bị mắc kẹt. Họ nằm ngồi vạ vật khắp sân bay trong tình trạng không thức ăn, nước uống. “Nghe nói ở Banghazi lao động Việt Nam còn khổ hơn vì đây là nơi bùng phát biểu tình” - Anh cho biết.
Lý Chẻo Cheng và Vũ Văn Hùng (cùng quê Bắc Hà, Lao Cai) cho biết, họ được rời Libya chiều 24-2 nhưng không phải là lao động của Vinaconexmex mà là lao động của Cty Cổ phần Bách nghệ Toàn Cầu (Glotech). Được biết, trong số 176 lao động có 5 lao động của Cty Glotech.
Theo Hùng, tính đến ngày 27-2, cả hai làm việc tại Tripoli được 2 tháng. “Ở Tripoli vẫn còn rất nhiều lao động Việt Nam. Họ đang sống trong sợ hãi khi tình trạng trộm cắp liên tiếp xảy ra” - Hùng cho biết.
Theo Hùng, ở Tripoli còn đỡ, chứ ở Banghazi lao động Việt Nam đang rất khốn khổ trong vùng bạo loạn. “Em nghe nói có nhiều người bị đánh đập, xô đẩy. Ngay tại sân bay Tripoli, hàng nghìn người trong đó có lao động Việt Nam đang bị mắc kẹt vì chưa được di tản. Từ đầu đến cuối sân bay, chăn màn, bao ni lông vứt ngổn ngang” - Hùng nói.
Còn 5 nghìn lao động VN bị mắc kẹt
Sáng 26-2, Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi đã họp bàn. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm - Trưởng Ban chỉ đạo quyết định thành lập 5 đoàn công tác hỗ trợ, sơ tán lao động Việt Nam ra khỏi Lybia.
“Ban chỉ huy tiền phương” của các đoàn công tác sẽ đóng ở Tunisia (quốc gia gần nhất với điểm nóng Tripoli). Trong đêm 26-2 và ngày 27-2, các đoàn công tác hỗn hợp của Việt Nam lên đường đến các nước láng giềng của Lybia là Tunisia, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Hi Lạp để phối hợp hỗ trợ lao động Việt Nam.
Các đoàn công tác gồm đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và đại diện doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân, hiện còn khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang ở Lybia. Tại Thổ Nhĩ Kỳ có hơn 1.444 người; Hi Lạp có 700 người; Tunisia có 600 người; đảo Sip có 139 người…
Các cơ quan ngoại giao đang xúc tiến thuê máy bay của các hãng hàng không nước ngoài đưa lao động về nước.