Văn Cao - dấu ấn trăm năm

TP - Nhạc sĩ Văn Cao được ca tụng như bậc thiên tài của nền nghệ thuật nước nhà, nhờ khối tài sản đồ sộ mà ông để lại ở các lĩnh vực âm nhạc, thơ, hội họa. Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao, không chỉ những di sản về nghệ thuật, mà bóng dáng của ông trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè trong giới cũng được kể lại khiến hậu thế phải suy ngẫm.

Dạy con “kiểu cũ”

Nhạc sĩ Văn Cao và vợ là bà Nghiêm Thúy Băng có 5 người con, 3 trai 2 gái. Các con đều theo nghiệp cha làm nghệ thuật. Con trai cố nhạc sĩ khẳng định, gia đình luôn là bến bình an cho con thuyền Văn Cao neo đậu tránh những giông bão cuộc đời. Trong đời sống riêng, nhạc sĩ Văn Cao được con trai thứ - hoạ sĩ Nghiêm Thành - miêu tả là người nghiêm khắc “theo kiểu cũ”. “Vẫn đòn roi bình thường mỗi khi con hư, ông hay đánh trật ra giường dọa cho con cái sợ chết khiếp. Khi những đứa con lớn lên, học đến cấp 2, ông không đánh nữa mà chỉ khuyên nhủ, răn dạy. Bình thường ông rất hiền lành, ấm áp”, hoạ sĩ Nghiêm Thành kể.

Văn Cao - dấu ấn trăm năm ảnh 1

Đại diện gia đình nhạc sĩ nhận tranh khắc đồng bản nhạc bài hát Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Hà Nam

Những năm chiến tranh chống Mỹ, cả gia đình đi sơ tán, nhạc sĩ Văn Cao trụ lại ở Hà Nội và thỉnh thoảng ông lóc cóc đạp xe mấy chục cây số lên chỗ sơ tán thăm vợ con. Lúc thì đưa đón các con về thăm nhà. Nhạc sĩ Văn Cao dạy con sống tự lập, ông kể câu chuyện chim mẹ dạy chim con tập bay: Khi chim con đã đủ lông đủ cánh, chim mẹ hất chim con từ trên cao xuống vực, chim con phải đập cánh bay. Và rồi từ đó sẽ rời xa mẹ tự kiếm sống.

Họa sĩ Nghiêm Thành nhớ đến hai người anh, khi ra trường và tìm được việc làm đều đóng tiền ăn tháng cho tổ phục vụ, không ăn chung tại nhà nữa. “Văn Cao là con người kiên định, khi các con khôn lớn, ông thường nói: Cha đã chọn một lý tưởng, một con đường mà cha luôn theo đuổi, các con có chọn lựa hướng đi riêng cho mình nhưng đừng làm gì ảnh hưởng đến cha. Anh em chúng tôi bảo nhau đều tốt nghiệp đại học, trên đại học, và gắng sống tử tế”, con trai nhạc sĩ nói.

Văn Cao yêu thương các con và cũng quý mến các bạn của con. Khi Nghiêm Thành luyện thi đại học, có người bạn cùng lớp nhà ở ngoại tỉnh, nhà rất xa trường lớp, đi lại vất vả. Ông chủ động đề nghị bạn của con trai ở cùng, có gì ăn nấy. “Có lẽ tuổi trẻ lưu lạc của Văn Cao có những lúc phải nhờ cậy bạn bè nên ông đối đãi với bạn của con tốt thế”, anh Nghiêm Thành bộc bạch.

Trong mắt các con, nhạc sĩ Văn Cao là người cha vĩ đại. Đời thường ông là người sống thực tế, giản dị. Khi được mời ăn ở đâu, có món gì ưng ý, ông tự học hỏi rồi về nhà sai con đi mua nguyên liệu để ông mày mò nấu nướng cho vợ con ăn. Thời gian ông dành cho gia đình ít ỏi vừa đủ, còn phần nhiều ông dồn hết thời gian, sức lực cống hiến cho xã hội.

Trân trọng bạn bè

Văn Cao có nhiều bạn bè ở các giới từ những người bạn gắn bó từ thuở hoa niên, đồng hương Hải Phòng như nhà văn Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, nhà báo Trương Chính, ông Liễn, ông Doãn Tòng… cho đến giới hội hoạ như họa sĩ Nguyễn Sáng, họa sĩ Dương Bích Liên…

Văn Cao hay chơi và ưu ái lớp trẻ, vì vậy ông thường động viên và khích lệ những người sáng tác trẻ, không chê bai ai. Không khó để thấy Văn Cao xưng hô anh, em với những tác giả đáng tuổi con, tuổi cháu của mình. Thậm chí, bởi quý mến nhà thơ Thanh Thảo, ông đã lấy tên nhà thơ đặt tên cho cháu ngoại. “Chơi với cánh trẻ, mình như thấy trẻ lại”, nhạc sĩ Văn Cao từng chia sẻ.

Họa sĩ Nghiêm Thành kể, ông là người rộng rãi, ít nói, chịu khó lắng nghe nên được nhiều người yêu mến. Vào những dịp giỗ tết, sinh nhật hay nhân một sự kiện nào đó, ông thường mời bạn về nhà, lúc đó tự ông vào bếp và tự tay nấu món ngon mời bạn. “Thỉnh thoảng được lĩnh tiền nhuận bút vẽ minh họa, Văn Cao trích ra năm đồng mua rượu thịt chó mời bạn, còn năm đồng đưa cho vợ”, họa sĩ Nghiêm Thành nhớ lại.

Nhà thơ Thanh Thảo nhớ lại lần đầu gặp nhạc sĩ Văn Cao: “Qua hai người bạn Tạo và Kha, Văn Cao nhắn mời tôi đến nhà ông chơi. Đúng lúc tôi vừa từ Quy Nhơn ra Hà Nội, nghe lời mời này, tôi và Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha “nhào” tới nhà Văn Cao ngay. Ngay từ lần gặp chính thức đầu tiên ấy, cả Văn Cao và tôi đều kịp nhận ra nhau. Ông là bậc đàn anh, còn tôi là đàn em, nhưng tôi nhận mình là bạn vong niên với ông”.

Kể từ lần gặp gỡ đó, nhà thơ Thanh Thảo và nhạc sĩ Văn Cao trở nên vô cùng thân thiết. Nhà thơ Thanh Thảo tự nhận mình hồi trẻ còn ngang ngạnh, chỉ chơi với ai mình thật sự thích mà Văn Cao lại khiến ông thích ngay lần gặp đầu tiên. Với nhà thơ Thanh Thảo, thời điểm đó dù đời sống vật chất đầy khó khăn, eo hẹp nhưng hạnh phúc.

Nhà thơ luôn vui vì vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao luôn “để dành” rượu cho mình. Sau này, Văn Cao lấy tên nhà thơ Thanh Thảo để đặt cho cháu gái ngoại của mình. “Khi cô con gái Văn Cao ở Ba Lan sinh cháu gái, nhờ ông ngoại đặt tên cháu, Văn Cao đã lấy tên Thanh Thảo đặt cho cháu mình. Biết chuyện này, tôi đã hết sức cảm động. Càng vui hơn, khi lớn lên, cháu Thanh Thảo đã trở thành một pianist nổi tiếng ở Ba Lan”, nhà thơ Thanh Thảo kể.

Văn Cao có sáng tác cùng Phạm Duy?

Tại hội thảo khoa học về thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ tài hoa, họa sĩ Văn Thao - con trai nhạc sĩ Văn Cao hé lộ về tình bạn của cha và nhạc sĩ Phạm Duy. Nhiều thông tin cho rằng, một vài bài hát như Bến Xuân , Suối mơ, Đàn chim Việt… Văn Cao sáng tác cùng với Phạm Duy. Gia đình nhạc sĩ cũng đính chính đây là thông tin sai sự thật. Phạm Duy gặp Văn Cao khi mới chỉ là một ca sĩ mới vào nghề, có một sáng tác đầu tay hồi đó chưa được ai biết là bài Cô hái mơ (1942), phổ thơ Nguyễn Bính. Trong khi đó Văn Cao đã là một nhạc sĩ nổi tiếng với hàng loạt ca khúc: Buồn tàn thu (1939), Thiên Thai, Suối mơ. “Cuộc gặp gỡ lần đầu giữa Văn Cao với Phạm Duy mới được dăm bữa, nửa tháng chưa đủ để Văn Cao hiểu rõ về Phạm Duy. Tuy nhiên, Văn Cao đã nhìn thấy trước được tiềm năng âm nhạc trong con người Phạm Duy, vì thế ông đã động viên và khuyên Phạm Duy nên đi vào sáng tác. Tình bạn giữa hai người bắt đầu từ những ngày đó”, họa sĩ Văn Thao nói.

Tin liên quan