Khán giả trở thành diễn viên trong đêm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chương trình nghệ thuật đặc sắc kỷ niệm 100 ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao diễn ra vào 20h ngày 20/8, truyền trực tiếp trên VTV1 và trang web của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tổng đạo diễn khẳng định trong chương trình diễn ra cùng lúc cả bên trong và bên ngoài Nhà hát Lớn Hà Nội này. Nghệ sĩ và khán giả “là một”.

Nhà tổ chức kỳ vọng sẽ có cả vạn khán giả đổ về quảng trường Cách mạng Tháng Tám không chỉ để theo dõi, còn trở thành một phần của chương trình trong màn tái hiện khung cảnh lịch sử khi lá cờ đỏ sao vàng được thả xuống từ ban công Nhà hát Lớn trong cuộc mít tinh chiều 17/8.

Đây cũng là thời điểm bài Tiến quân ca (về sau trở thành Quốc ca) của Văn Cao được vang lên lần đầu tiên.

Khán giả trở thành diễn viên trong đêm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao ảnh 1

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán chụp Văn Cao.

Chương trình với tên gọi Đàn chim Việt tập hợp những tác phẩm tiêu biểu của Văn Cao ở cả ba thể loại tình ca, hành khúc và trường ca như Thiên thai, Buồn tàn thu, Trương Chi, Làng tôi, Mùa xuân đầu tiên, Sông Lô, Tiến quân ca, Tiến về Hà nội, Chiến sĩ Việt Nam

Các nghệ sĩ tham gia chương trình: NSND Quang Thọ, NSND Quốc Hưng, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Đăng Dương, Hương Lan, Ánh Tuyết, Mỹ Linh, Hà Trần, Tùng Dương, Lan Anh, Phúc Tiệp, Đào Tố Loan, Ngô Hương Diệp, Vũ Thắng Lợi, Tạ Quang Thắng, Đào Mác, Yvol, Đỗ Tố Hoa, Thu Hằng, Bùi Trang, Nguyễn Thăng Long...

Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho biết đây là lần đầu anh thử thách bản thân bằng cách biến Nhà hát Lớn thành một sân khấu “từ trong ra ngoài từ trên xuống dưới, nghệ sĩ và khán giả cùng hòa quyện với nhau, là một”.

“Yếu tố quan trọng nhất của chương trình chính là quảng trường Nhà hát Lớn. Tôi mong muốn làm sao số người đến quảng trường càng nhiều càng tốt để tái hiện thời khắc lá cờ Việt Minh được thả xuống một lần nữa. Cảnh đấy chỉ có thể thực hiện với sự tương tác của rất nhiều khán giả, nhất là thanh niên”, Phạm Hoàng Nam nói.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo - giám đốc âm nhạc của chương trình - nhận định đây là chương trình tạp nhất từ trước đến nay mà anh tham gia. Đỗ Bảo lên lịch sản xuất chương trình từ tháng 5 và đang tiếp tục công việc. Có ba dàn nhạc cùng tham gia chương trình là giao hưởng Mặt Trời, Quân nhạc Đoàn Nghi lễ Quân đội, trường Đại học VHNT Quân đội cùng dàn hợp xướng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Một trong những thách thức đối với giám đốc âm nhạc và BTC là làm sao để âm thanh thu sẵn, âm thanh chơi trực tiếp ở bên trong và bên ngoài Nhà hát Lớn khi hòa quyện phải vang lên cùng một tốc độ (trong khi đường truyền thường có sai số dù rất nhỏ về thời gian).

Khán giả trở thành diễn viên trong đêm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao ảnh 2

Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao thay mặt gia đình nhạc sĩ cảm ơn BTC chương trình

Đỗ Bảo chia sẻ: “Khi nghe thấy nội dung chương trình và khối lượng công việc thông thường người sản xuất như tôi cảm thấy ái ngại… Nhưng đúng là không thể từ chối được. Vì đó là Văn Cao. Có thể nói những tác phẩm nhạc sĩ Văn Cao viết ra từ thập niên 1940 là điều kỳ diệu của âm nhạc Việt Nam. Khi nghe lại những tác phẩm của ông một lần nữa, chúng tôi cảm thấy vô cùng, vô cùng ngưỡng mộ. Đó là lý do nhất định phải làm chương trình này và phải làm thật tốt".

Khán giả trở thành diễn viên trong đêm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao ảnh 3

Tốp ca thiếu nhi hát Tiến quân ca trong buổi họp công bố Đàn chim Việt.

Nhạc trưởng Olivier Ochanine chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời cũng bày tỏ: “Khi nghe tác phẩm của Văn Cao, tôi còn cảm thấy lay động hơn so với âm nhạc của chính nước tôi. Âm nhạc của ông có cái gì đó thật đặc biệt. Tham gia đóng góp cho chương trình là một niềm vinh dự và hạnh phúc với tôi. Hy vọng mọi người sẽ hài lòng với chương trình".

Điều thú vị là nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán - người đóng góp cho chương trình 168 bức ảnh tư liệu - và giám đốc dự án, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh đều là hàng xóm với Văn Cao. Nguyễn Đình Toán nhớ lại lần được bà Nghiêm Thúy Băng - phu nhân nhạc sĩ - mời đến chụp ảnh khi Văn Cao đến vẽ chân dung cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Văn Cao từng vẽ thành công chân dung của GS. Đặng Thai Mai - chính là bố vợ của Đại tướng.

Nhưng lần đó nhạc sĩ Văn Cao không hài lòng với phác thảo của mình. “Vẽ không được, Văn Cao lại cho vào cái cặp, lại vẽ cái khác. Đến lần thứ 6 cũng không được, Đại tướng bảo thôi nghỉ uống nước. Bà Đặng Bích Hà mang một chai rượu mơ hay rượu chanh gì đấy (rượu mậu dịch ấy mà) ra uống. Chắc là họa sĩ có hứng chuẩn bị vẽ thì ông Giáp lại bảo thôi nghỉ. Tôi rất tiếc, giá mà tôi cầm những bản vẽ không thành đấy giữ lại cũng thành kỷ niệm”, Nguyễn Đình Toán kể.

Nhiếp ảnh gia cho hay cuốn băng ông quay lại sự kiện đã bị hỏng, phim chụp vẫn còn nhưng chưa tìm ra.

Khán giả trở thành diễn viên trong đêm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao ảnh 4

Nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Luật sư Quỳnh Anh kể vẫn nhớ mãi hình ảnh nhạc sĩ mà bà “thờ phụng” hàng ngày đi qua con phố với chiếc gậy lọc cọc cùng người vợ rất đẹp đi bên cạnh. Bà yêu Quốc ca và mỗi lần có dịp hát đều lâng lâng cảm xúc, có thể khóc được: "Chính vì thế tôi quyết tâm phải làm bằng được chương trình này".

MỚI - NÓNG