VAMC sẽ tự đi trên đôi chân của mình

VAMC đã “thu mua” trên 200 ngàn tỷ nợ xấu. Ảnh: Trần Việt.
VAMC đã “thu mua” trên 200 ngàn tỷ nợ xấu. Ảnh: Trần Việt.
TP - VAMC chuẩn bị hoàn tất “điệp vụ” nhấc cỗ xe nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản các ngân hàng.  Từ năm 2016, NHNN sẽ không cần yêu cầu các TCTD bán nợ xấu cho VAMC nữa. Tổ chức này sẽ tự đi trên chính đôi chân của mình ra sao và xoay xở với khối nợ xấu hơn 200 ngàn tỷ đã ôm thế nào?

Tiền Phong xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC dành cho báo.

Mua nợ không cần tiền!

Ngày 27/6/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra Quyết định số 1459/QĐ-NHNN chính thức thành lập Công ty Quản lý tài sản. VAMC được tổ chức dưới hình thức Công ty TNHH Một thành viên, do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Nhiệm vụ của VAMC là phải nhanh chóng xử lý nợ xấu tại TCTD, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ TCTD mà không dùng đến ngân sách nhà nước. Việc xử lý nợ xấu không sử dụng vốn ngân sách nhà nước là mô hình đặc thù chưa có tiền lệ trên thế giới. Giai đoạn đầu VAMC thực hiện nhiệm vụ mua nợ xấu của các TCTD thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt.

Theo thời gian, có thể thấy VAMC là công cụ hữu hiệu trong quá trình xử lý nợ xấu không sử dụng vốn ngân sách nhà nước của Việt Nam, mà kết quả là sau hơn 2 năm đi vào hoạt động đã giúp cho các TCTD giảm được dư nợ xấu hơn 210.717 tỷ đồng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, tiếp cận được vốn vay của TCTD. Cụ thể, tính từ 1/1/2015 đến 15/9/2015, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các TCTD được 11.108 khoản nợ tương ứng với 75.553 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, giá mua là 69.070 tỷ đồng của 37 TCTD. Lũy kế từ 2013 đến 15/9/2015, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu đạt 204.228 tỷ đồng tổng giá trị dư nợ gốc nội bảng, 177.722 tỷ đồng giá mua nợ.

Cùng với việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB), VAMC đã tích cực triển khai các công tác xử lý nợ xấu theo các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Đến nay, VAMC đã thực hiện thu hồi nợ, bán nợ, bán TSBĐ đạt 13.320 tỷ đồng. VAMC đã thực hiện điều chỉnh lãi suất cho 28 khoản nợ của 9 khách hàng với dư nợ gốc được điều chỉnh là 367 tỷ đồng; miễn, giảm lãi/phí cho 17 khách hàng với số tiền miễn giảm lãi là 66 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 11 khách hàng với dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 446 tỷ đồng. Cùng với việc cơ cấu lại nợ, VAMC đã trao đổi với TCTD tiếp tục cấp hạn mức 950 tỷ đồng cho 2 khách hàng để hoàn thiện 2 dự án, đến nay đã giải ngân được 425 tỷ đồng.

Khó khăn vẫn chăng đầy

Dẫu đạt được tốc độ xử lý đáng kể nhưng so với thực trạng nợ xấu, tốc độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả bán nợ, tài sản đảm bảo còn rất khiêm tốn. Quá trình triển khai xử lý nợ xấu trong thời gian qua VAMC gặp phải một số khó khăn, bất cập như: Nhiều doanh nghiệp phát sinh nợ xấu tại một hoặc nhiều TCTD, nợ xấu đã được bán cho VAMC. Tuy nhiên, khi khách hàng đề nghị được cơ cấu nợ, xây dựng phương án để tiếp tục kinh doanh, TCTD không đồng ý cho doanh nghiệp được tiếp tục vay vốn do TSBĐ có giá trị kém, do tâm lý bị xử lý hình sự hóa sau khi cơ cấu nợ khách hàng không trả được nợ. TCTD phối hợp với VAMC tiến hành thu giữ, phát mại TSBĐ của khách hàng vay đúng trình tự và thống nhất phương án thu giữ, phát mại TSBĐ, tuy nhiên khách hàng không đồng ý bàn giao tài sản, không có mặt theo thời gian, địa điểm thu giữ, thậm chí có nhiều trường hợp khách hàng đã đi khỏi địa phương... Trường hợp thu giữ được thì việc bán đấu giá gặp phải khó khăn như: Bên bảo đảm không hợp tác trong vấn đề thỏa thuận giá khởi điểm hoặc thuê tổ chức định giá... dẫn đến VAMC, TCTD không thể xử lý để thu hồi nợ.

VAMC sẽ tự đi trên đôi chân của mình ảnh 1

Kết quả mua nợ sau 2 năm của VAMC.

Thậm chí, có trường hợp TCTD bán nợ cho VAMC sau đó phối hợp tiến hành thu giữ tài sản để phát mại, sau khi thu giữ để tiến hành phát mại thì khách hàng khởi kiện tài sản có tranh chấp từ trước khi bán nợ cho VAMC. Tình huống này đưa VAMC vào tình thế phải xử lý sau khi có bằng chứng TSBĐ có tranh chấp và phải trả lại khoản nợ cho TCTD, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò của VAMC. Chưa kể, có khách hàng lợi dụng việc bán nợ cho VAMC để không hợp tác với TCTD, thậm chí có yêu cầu VAMC thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi trong khi không có phương án kinh doanh khả thi, không đáp ứng được điều kiện theo quy định. Điều này gây khó khăn và ảnh hưởng tới công tác thu hồi nợ theo ủy quyền của VAMC đối với TCTD.

Tự đi trên đôi chân

Sau 2 năm đi vào hoạt động, kết quả đạt được thời gian qua chỉ là sự khởi đầu, VAMC còn rất nhiều thử thách ở phía trước, đó là xử lý khối lượng khổng lồ nợ xấu VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt (trên 200.000 tỷ). Từ năn 2016, VAMC xác định thực sự phải tự đi trên chính đôi chân của mình, do toàn bộ nợ xấu của từng TCTD đã về mức cho phép là 3% và NHNN sẽ không cần phải yêu cầu các TCTD bán nợ xấu cho VAMC. Vì vậy, quan hệ giữa VAMC và TCTD là bình đẳng giữa hai DN để thực hiện mua và bán nợ. Như vậy, sau thời gian tập trung mua nợ bằng TPĐB, VAMC đạt mục tiêu hàng đầu trong triển khai công việc từ năm 2016 là tập trung toàn lực vào việc xử lý nợ (bán nợ, bán tài sản...) và mua nợ theo giá thị trường đối với những khoản nợ xấu mới phát sinh, hạn chế dần việc mua nợ bằng TPĐB.

Ở giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục mua nợ xấu nợ  bảng và ngoại bảng của TCTD theo giá thị trường, VAMC sẽ xây dựng được chiến lược mua bán nợ xấu trên cơ sở phân loại các khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB để thực hiện mua đứt theo giá trị thực tế. Đồng thời, tổ chức đấu giá phát mại tài sản theo hướng dẫn tại Thông tư 18/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp; Tham gia góp vốn, chuyển nợ thành vốn góp để tái cấu trúc DN có khả năng phục hồi sản xuất; Tiếp tục cơ cấu các khoản nợ có khả năng phục hồi, đồng thời triển khai nghiệp vụ bảo lãnh cho khách hàng được vay vốn tại các TCTD; Đầu tư nâng cấp, cho thuê tài sản. Nếu tiềm lực đủ mạnh, VAMC sẽ hướng đến việc bỏ vốn mua cổ phần của các TCTD để tham gia tái cấu trúc TCTD.

Hiện nay Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu. Đối tượng được mua bán nợ bị hạn chế theo các quy định pháp luật, cụ thể Luật Đầu tư 2014 quy định: “Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện” và Luật 69/2014/QH13 quy định: “Doanh nghiệp được quyền bán nợ phải thu quá hạn, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không có khả năng thu hồi. Doanh nghiệp chỉ được bán nợ cho tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán trực tiếp cho đối tượng nợ. Giá bán do các bên thỏa thuận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”. Như vậy VAMC mua nợ xấu của các TCTD nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba nếu không có giấy phép kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ.

* Tít, sapo và tựa đề do Tiền Phong đặt

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.