VAFI đề xuất niêm yết bệnh viện trên sàn chứng khoán

VAFI đề xuất cổ phần hóa và tiến tới niêm yết các bệnh viện lớn trên sàn chứng khoán.
VAFI đề xuất cổ phần hóa và tiến tới niêm yết các bệnh viện lớn trên sàn chứng khoán.
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đề xuất 3 giai đoạn cơ cấu lại hệ thống bệnh viện công lập trước tình trạng quá tải hiện nay.

Đề xuất cơ cấu lại hệ thống bệnh viện công được VAFI đưa ra trên cơ sở thực tế những bất cập thời gian qua, như suất đầu tư cho hạ tầng, máy móc có khi gấp đôi so với khu vực tư nhân; giá thuốc mua vào đắt đỏ do thiếu cơ chế đấu thầu công khai minh bạch. Tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên cũng đang tạo ra khoảng cách lớn về chất lượng khám, chữa bệnh.

Theo đó, giai đoạn một VAFI kiến nghị chuyển toàn bộ bệnh viện Nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức doanh nghiệp công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Khi hoạt động như những doanh nghiệp, các bệnh viện sẽ phải công khai tình hình tài chính, thực hiện kiểm toán hàng năm, cũng như công khai thông tin đấu thầu, mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế... Để số doanh nghiệp - bệnh viện hoạt động hiệu quả, theo VAFI cần đưa ra mức trần đi vay, không quá 50% vốn chủ sở hữu.

Sau khi hoạt động ổn định, giai đoạn tiếp theo sẽ cổ phần hóa một số bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức... và tiến tới niêm yết trên thị trường chứng khoán, giúp các bệnh viện có điều kiện huy động vốn từ thị trường này. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa các bệnh viện cần chính sách đặc thù riêng, đảm bảo giá dịch vụ khám chữa bệnh không tăng do cổ phần hóa mà vẫn theo giá quy định của Nhà nước.

“Tạo dựng chính sách đặc thù để đảm bảo hệ thống bệnh viện công lập vẫn là hệ thống y tế của Nhà nước, tức là vẫn đảm bảo chính sách an sinh cho toàn thể người dân, cho 100% đối tượng bảo hiểm y tế, người nghèo và các nhiệm vụ chính trị cấp bách”, VAFI phân tích.

Cuối cùng là giai đoạn hợp nhất, sáp nhập các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện nhằm nâng cấp hệ thống y tế tại các địa phương. Hiệp hội này tính toán, tiến trình hợp nhất sáp nhập trong toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập chỉ kéo dài trong 10 năm và sau đó tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn sẽ chấm dứt.

Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch & Đầu tư soạn thảo cho thấy, dư địa phát triển của dịch vụ y tế tư nhân còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh tổng chi tiêu cho y tế đang chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất so với các nước trong khu vực và dự báo duy trì ổn định trong vòng 20 năm tới nhờ lộ trình xã hội hoá y tế.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG