Uỷ ban Văn hóa lý giải về 'giải trình kín' vụ gian lận điểm thi

TPO - Nhiều ý kiến thắc mắc được đại biểu Quốc hội và dư luận nêu ra khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức phiên giải trình kín với hai Bộ GD&ĐT, Công an về gian lận điểm thi.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 23/4, một Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã lý giải về lý do tổ chức phiên “giải trình kín” với hai Bộ Công an và Bộ GD&ĐT vào chiều nay.

Theo đại biểu, Luật về giám sát có quy định trong việc giải trình là các hội đồng, ủy ban có quyền quyết định việc họp kín hay không kín.

“Có thể lãnh đạo thận trọng, muốn nắm được nhiều thông tin hơn. Việc họp nội bộ cũng có thể dễ khai thác nhiều thông tin hơn chứ không phải ngại gì cả. Lãnh đạo Uỷ ban cũng rất mong muốn nắm được nhiều thông tin, phục vụ cho công việc, để từ đó giải tỏa áp lực dư luận”, đại biểu cho hay.

Đáng lưu ý, dư luận và đại biểu Quốc hội đưa ra sự so sánh giữa các phiên giải trình về vấn nạn xâm hại trẻ em với vụ gian lận điểm thi này.

“Tôi và không ít cử tri đã rất băn khoăn khi biết được sắp tới sẽ diễn ra phiên giải trình kín của Bộ Công an và Bộ GD&ĐT trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Tại sao cùng là vụ việc gây chấn động dư luận, như các vụ dâm ô, xâm hại trẻ em thì giải trình công khai, còn vụ việc liên quan đến chạy điểm nâng điểm thì lại làm kín?

Trong khi yêu cầu chung của dư luận, cử tri cả nước là công khai minh bạch quá trình tiếp nhận, xử lý làm rõ vụ việc, thậm chí phải trả lời trước người dân cả nước giải pháp tiếp theo sẽ như thế nào khi mà kỳ thi Quốc gia đang đến cận kề”, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền nêu thắc mắc trên báo chí.

Lý giải về việc này, đại biểu Uỷ ban Văn hóa cho rằng: “Việc so sánh như vậy có ý đúng, nhưng cũng có ý chưa thật đúng lắm”. Bởi hai vụ này hoàn toàn có những điểm khác nhau. Trong khi vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em đang là giai đoạn đầu gây áp lực cho cơ quan vào khởi tố điều tra, còn vụ việc gian lận thi cử thì đã khởi tố điều tra.

Mặt khác, đại biểu này cũng cho rằng, việc gọi đây là phiên giải trình cũng chưa thực sự đầy đủ. Chính xác hơn, đây là buổi làm việc giữa Thường trực Uỷ ban Văn hóa với 2 Bộ Công an và Bộ GD&ĐT. Còn nếu là giải trình thì quy trình, thủ tục phải chặt chẽ đầy đủ hơn. “Hiện chưa đến mức phải giải trình như vậy, vì cơ quan điều tra đang làm”, đại biểu nói.

“Hôm nay Uỷ ban muốn nắm được nhiều thông tin, có thể có nhiều vấn đề Bộ Công an, Bộ GD&ĐT chưa công bố được, vì đang trong quá trình điều tra. Lại cũng liên quan đến những quy định về bảo vệ nhân phẩm, danh sự cá nhân được quy định trong luật, nên có thể chưa công bố được. Uỷ ban muốn nghe xem thế nào, từ đó tiến tới việc xử lý ra sao cho đáp ứng sự kỳ vọng của người dân.

Đó là trách nhiệm của Uỷ ban và phiên họp này, các đại biểu sẽ nêu lên những vấn đề còn thắc mắc, đề nghị cơ quan điều tra giải thích thêm trong điều kiện khả năng cho phép. Đồng thời cũng đưa ra những lưu ý, đề nghị các cơ quan giải quyết. Vụ việc này liên quan đến nhiều cán bộ, quan chức, liên quan đến niềm tin. Đó cũng là áp lực thôi thúc các cơ quan phải làm”, đại diện Uỷ ban Văn hóa cho hay.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.