Từ lần thay đổi tại phiên họp 12 diễn ra vào tháng 7, một trong những vấn đề được nhiều cơ quan báo chí quan tâm là, tại phiên họp thứ 13, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ thay đổi theo hướng nào? Báo chí có được mời tham dự, đưa tin mỗi phiên họp, hay chỉ được dự 5 phút đầu và tiếp tục sử dụng chung một thông cáo báo chí như phiên họp 12 áp dụng?
Sáng 9/8, trao đổi với PV, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 13 diễn ra vào sáng mai (10/8), báo chí vẫn được dự 15 phút đầu. Các nội dung sau đó, sẽ căn cứ vào “tôn chỉ mục đích” của từng báo để mời dự ở từng buổi họp với nội dung phù hợp (mời báo chuyên ngành - PV).
Giống như tại phiên họp trước, vào cuối ngày, Trung tâm báo chí Quốc hội sẽ phát thông cáo báo chí để các báo sử dụng. Một số báo “có tôn chỉ mục đích phù hợp”, Trung tâm báo chí đã gửi giấy mời.
Trước đó, vào phiên khai mạc phiên họp thứ 12 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, phóng viên nhiều cơ quan báo chí chỉ được dự 5 phút đầu khai mạc, và không được dự các phiên thảo luận.
Thay vào đó, Trung tâm báo chí phát thông cáo báo chí mỗi ngày cho các phóng viên. Nghĩa là, các cơ quan báo chí chỉ được khai thác gói gọn trong nội dung của thông cáo.
Nhiều PV các cơ quan báo chí cho rằng, điều này làm giảm đi không khí sôi nổi tại các phiên thảo luận. Số lượng tin bài về các phiên họp qua đó cũng ít đi.
Trao đổi với PV, nhiều người đã từng là đại biểu Quốc hội trong nhiều năm, nhiều khoá cũng tỏ ra ngỡ ngàng với quy định chỉ cho báo chí dự 5 phút.
Đa số các ý kiến đều cho rằng, quy định này không phù hợp với Điều 4, Quy chế làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, quy định: Các cơ quan báo chí được tham dự, đưa tin về các hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại khu vực dành riêng cho báo chí.
Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: “Không hạn chế báo chí, chỉ hạn chế thời gian” và cho biết sẽ nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.
Theo dự kiến, phiên họp thứ 13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ 10 – 18/8. Trong đó có nhiều nội dung đáng chú ý như: Cho ý kiến về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Đáng lưu ý, tại phiên họp này sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề: Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (Đại diện Thường trực Chính phủ phụ trách lĩnh vực liên quan đến nội dung chất vấn, Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư tham gia trả lời chất vấn).