Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Đổi mới là yêu cầu cấp thiết

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
TP - “Quốc hội phải đổi mới thể chế, lập pháp, giúp cho sự phát triển kinh tế. Giờ hòa nhập rồi thì cần phải đổi mới cơ chế, phải sửa luật pháp cho phù hợp”, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với Tiền Phong về việc triển khai thực hiện Nghị quyết mà Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.

Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc, Quốc hội có nhiều người được bầu vào Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Vậy Quốc hội có những chương trình, hành động gì để đáp ứng kỳ vọng mà Đại hội gửi gắm?

Trong Đại hội vừa qua, công tác nhân sự đã được thực hiện rất dân chủ, khách quan, số dư cao nhưng kết quả bầu rất tập trung. Người trúng vào Ban chấp hành Trung ương số phiếu thấp nhất cũng đạt tỷ lệ 62%. Đối với Quốc hội, ngoài hai Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Kim Ngân tái cử, đây là lần đầu tiên có một chủ nhiệm ủy ban là đồng chí Trương Thị Mai được bầu vào Bộ Chính trị. Bên cạnh đó còn có 3 đồng chí nữ lần đầu tiên tham gia ứng cử đều trúng cử Ban chấp hành Trung ương. Đây là một nét rất đặc biệt của Quốc hội nhiệm kỳ này.

Kết quả này chính là sự ưu ái, yêu mến của Đại hội với Quốc hội, rất đáng trân trọng. Điều này khiến chúng tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn nữa, để có thể đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Quốc hội phải đổi mới hơn nữa, phải phát triển hơn nữa để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Quốc hội sẽ có những hành động cụ thể gì thưa ông?

Quốc hội sẽ phải tổng kết, đánh giá về những vấn đề đạt được, trên cơ sở đó phát huy ưu điểm và đặc biệt phải đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chức năng hoạt động của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời công tác lập pháp, giám sát phải sâu sắc hơn, cụ thể, hiệu quả hơn. Song để đạt được điều đó, trước hết Quốc hội phải đạt được tiêu chí về chất lượng đại biểu, bởi đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả hoạt động. Như vậy Quốc hội khóa mới này vừa phải đảm bảo được cơ cấu nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. Trong đó, chất lượng đại biểu phải được đặt lên hàng đầu, không vì nặng về cơ cấu mà làm ảnh hưởng đến chất lượng. Đây cũng là một vấn đề đổi mới của Quốc hội.

Bên cạnh đó, đội ngũ đại biểu chuyên trách cũng phải tăng lên, trước mắt sẽ tăng lên 114 đại biểu. Ngoài ra Quốc hội khóa XIV cũng phải chuẩn bị kiện toàn bộ máy lãnh đạo chủ chốt của đất nước. Xem các đồng chí mới vừa được bầu với độ tuổi còn rất trẻ, khỏe và năng động sẽ đưa vào vị trí nào cho phù hợp với khả năng của họ, để đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Đổi mới là yêu cầu cấp thiết ảnh 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (thứ ba từ trái sang) trao đổi với một số đại biểu nữ tại Đại hội Đảng XII vừa qua. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Việc cán bộ trẻ tham gia Ban chấp hành T.Ư và Bộ Chính trị có thể xem là một bước tiến mới, thành công mới sau Đại hội XII. Tuy nhiên, nhiều người kỳ vọng cán bộ không chỉ trẻ tuổi mà còn phải trẻ về tư duy, trí tuệ. Ông nghĩ sao về điều này?

Chúng ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới, do vậy đổi mới là câu chuyện bắt buộc, có như vậy mới có thể hòa nhập được. Nhưng đổi mới thế nào lại là một bài toán khó. Đổi mới nhưng làm sao để không bị đổ vỡ và vẫn phải đảm bảo tính ổn định, phát triển, đó là vấn đề cốt lõi đặt ra.

Vừa qua chúng ta đã kiện toàn được đội ngũ cán bộ, với việc có nhiều đồng chí còn rất trẻ tham gia vào Ban chấp hành Trung ương. Cách “cài răng lược” với 3 thế hệ trong Ban chấp hành sẽ tạo ra sự ổn định để chuẩn bị nhân sự cho các nhiệm kỳ sau.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết với rất nhiều điểm mới để xây dựng và phát triển đất nước, nhưng để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, theo ông cần phải có biện pháp cụ thể nào?

“Vừa qua chúng ta đã kiện toàn được đội ngũ cán bộ, với việc có nhiều đồng chí còn rất trẻ tham gia vào Ban chấp hành Trung ương. Cách “cài răng lược” với 3 thế hệ trong Ban chấp hành sẽ tạo ra sự ổn định để chuẩn bị nhân sự cho các nhiệm kỳ sau”. 

Ông Nguyễn Hạnh Phúc

Tôi cho rằng, sau khi Đại hội XII kết thúc, vấn đề cấp thiết đặt ra phải có các chương trình hành động. Trên cơ sở mục tiêu của Đại hội như vậy, mỗi ngành, lĩnh vực sẽ phải xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể trong 5 năm và chia nhỏ chi tiết ra từng năm. Quốc hội phải đổi mới thể chế, lập pháp, giúp phát triển kinh tế. Giờ hoà nhập rồi thì cần phải đổi mới cơ chế, phải sửa luật pháp cho phù hợp. Những cán bộ nào không đáp ứng được yêu cầu thì nên chuyển vị trí khác phù hợp hơn. Cũng như Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, nếu người nào làm không tốt thì phải tính toán, cân nhắc thay thế cho phù hợp hơn.

Vừa qua, có một số ý kiến cho rằng, không nhất thiết ngành nào cũng phải có ủy viên Trung ương. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Vừa qua, chỉ từ việc chọn lọc bộ máy cán bộ đi dự Đại hội đã rất công phu rồi. Đảng lãnh đạo, nên theo tôi dứt khoát phải bố trí nhân sự trong Ban chấp hành Trung ương vào các vị trí bộ, ngành để lãnh đạo. Còn trường hợp nào không thể bố trí được, trái ngành thì mới phải chịu. Đối với những vị trí chủ chốt của các bộ, ban, ngành thì cần thiết phải có ủy viên Trung ương, vì Đảng lãnh đạo toàn diện.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG