Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báo. Ảnh Như Ý
Ngày 8/5 Hội đồng thẩm phán đã công bố quyết định giám đốc thẩm, quyết định giữ nguyên như phiên phúc thẩm, tử hình Hồ Duy Hải tội giết người, cướp của.
Theo ông Phúc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho đây là vụ án phức tạp, kéo dài. Năm 2015, Quốc hội đã lập đoàn giám sát oan, sai trong tố tụng hình sự, do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, và Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga (hiện là Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp) là phó trưởng đoàn. Kết quả giám sát đã báo cáo chi tiết, trong đó có việc xem xét lại vụ án này. Cùng với đó, gia đình Hồ Duy Hải đã nhiều lần khiếu nại, kêu oan và dư luận rất quan tâm đến vụ án.
Ông Phúc cho biết, để có thời gian xem xét toàn diện, khách quan các vấn đề liên quan, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang giao các cơ quan chuyên môn của Quốc hội xem xét, nghiên cứu xử lý đúng quy định”.
Theo nội dung vụ án, tối 13/1/2008, Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi (Long An) chơi - nơi chị Hồng (23 tuổi) và em họ tên Vân (21 tuổi) làm việc. Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng nhưng không thực hiện được nên sát hại cô và người em.
TAND tỉnh Long An và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo mức án tử hình. Sau nhiều năm Hải không được chấp nhận đơn xin giảm án và ân xá, gia đình anh này làm đơn kêu oan.
Ngày 22/11/2019, Viện KSND Tối cao kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao giám đốc thẩm vụ án theo hướng huỷ cả hai bản án. Đến ngày 8/5/2020, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao bác kháng nghị này, đồng thời xác định kháng nghị đề nghị hủy án của Viện KSND Tối cao là "không phù hợp với pháp luật" bởi luật không cho phép Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao kháng nghị xem xét lại vụ án khi quyết định bác ân giảm của Chủ tịch nước đang có hiệu lực pháp luật.