Ưu tiên trẻ 5 tuổi, trẻ 3 - 4 tuổi phải học trường tư

Ưu tiên trẻ 5 tuổi, trẻ 3 - 4 tuổi phải học trường tư
TP - Tại cuộc họp báo thường kỳ do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 5-7, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội công nhận, do phải ưu tiên để phổ cập mầm non 5 tuổi nên còn rất ít cơ hội học trường công lập của trẻ dưới 5 tuổi.

> Năm 2015 hết xếp hàng xin học mầm non! 

Đóng góp trường tư cao, phụ huynh đổ xô vào trường công

Giải thích về hiện tượng phụ huynh thức trắng đêm để xếp hàng đăng ký cho con học mầm non, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính là hệ thống trường mầm non công lập của các quận nội thành chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, tâm lý thích cho con học trường công lập, né trường tư (chủ yếu là do vấn đề học phí) của đa số người dân khiến áp lực này càng căng thẳng.

Bà Lan Hương cũng cho rằng, so với năm ngoái, hiện tượng phụ huynh chầu chực đêm hôm để xếp hàng xin học năm nay đã giảm, chỉ còn rơi rớt ở một vài nơi và tiêu biểu trong số này có trường Mầm non Thành Công (quận Ba Đình). Tuy nhiên, trường Mầm non Thành Công là một “ca” khó giải quyết vì áp lực chỗ học quá lớn trong khi chỗ học trên địa bàn quá hẻo.

Theo thống kê, số trẻ trong độ tuổi mầm non (có hộ khẩu KT1) trên địa bàn phường có 2.495 bé. Trong khi đó phường chỉ có 2 trường mầm non công lập với tổng quy mô khoảng 1.700 cháu; 3 trường tư thục đều có quy mô nhỏ, khoảng 4 đến 7 nhóm lớp/ trường.

Bà Lan Hương nói: “Theo thiết kế ban đầu, trường Mầm non Thành Công là một nhà trẻ có quy mô 10 nhóm trẻ với tổng số 250 trẻ. Hiện nay, trường có cả nhà trẻ, cả mẫu giáo và đã nhận tới hơn 1.000 trẻ. Trường Hoạ Mi, quy mô theo thiết kế là 300 trẻ, hiện giờ nhận 700 trẻ”.

Tiếp tục xếp hàng hoặc bốc thăm?

Về việc nhiều nơi chấm dứt tình trạng người dân xếp hàng xin học bằng cách tổ chức bốc thăm, bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, đó là giải pháp tình thế khả dĩ nhất trong bối cảnh hiện nay.

Trước những phản ánh sự bế tắc của phụ huynh trước cảnh các trường công đều “nói không” với trẻ 3 – 4 tuổi, hoặc nếu có tuyển thì cũng tuyển rất ít, dăm bảy chục chỉ tiêu cho cả địa bàn hàng chục nghìn dân, bà Hồng Nga công nhận đó là một thực tế người dân cũng như ngành GD&ĐT Thủ đô phải “chịu đựng”.

Bà Hồng Nga nói: “Về tổng quát, mọi trẻ mầm non nếu có nhu cầu đều có chỗ học nhưng không phải tất cả các bé đều được học công lập. Do phổ cập mầm non 5 tuổi, các trường công lập phải đảm bảo bất kỳ trẻ 5 tuổi nào có nhu cầu học là phải tiếp nhận nên mầm non công lập hiện nay chưa có đủ chỗ học cho tất cả trẻ 3 - 4 tuổi trở xuống.

Vì vậy ở những nơi mà hệ thống công lập thiếu chỗ học cho trẻ 3 - 4 tuổi, chúng tôi mong người dân vui lòng cho con em mình học ở ngoài công lập. Khi các em đủ 5 tuổi và vẫn còn nhu cầu học công lập, chúng tôi đảm bảo nhận tất cả. Đồng thời, trong những năm tới, thành phố sẽ tiếp tục xây thêm trường học công lập để tạo nhiều chỗ học hơn cho trẻ mầm non”.

Về quỹ đất dành cho việc xây thêm trường (không chỉ với bậc học mầm non), bà Hồng Nga cũng như các cán bộ quản lý Sở GD&ĐT Hà Nội bày tỏ sự kỳ vọng vào kế hoạch di dời các trường ĐH, các cơ sở sản xuất lớn ra khỏi nội thành Hà Nội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG