Góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng

Ưu đãi, thu hút nhân tài

Người trẻ quan tâm nhiều đến vấn đề việc làm.
Người trẻ quan tâm nhiều đến vấn đề việc làm.
TP - Góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nhiều trí thức trẻ trăn trở và đề xuất nhiều giải pháp mong muốn Đảng, Nhà nước có những chính sách mang tính đột phá để giải quyết tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng, thu hút nhân tài cống hiến cho quê hương, đất nước.

Giải quyết việc làm

Nhiều trí thức trẻ cho rằng, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường là yêu cầu cấp bách. Anh Phạm Mạnh Thắng, giảng viên trẻ Trường Đại học Sư phạm TPHCM chia sẻ thông tin, theo số liệu thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố mới đây, có 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp trong quý I/2015, nâng số người thất nghiệp trong 3 tháng, trên cả nước lên 1,1 triệu người.

“Bên cạnh chính sách ưu đãi, sự trân trọng, tin tưởng mà xã hội dành cho người trẻ là điều hết sức quan trọng. Tôi thấy thực tế nhiều nơi chưa thực sự đặt niềm tin trọn vẹn vào người trẻ, chưa dám trao cho họ những vị trí, nhiệm vụ công việc mới để được thử thách và thể hiện mình”.

Chị Trần Thị Thanh Trà, giảng viên trẻ Trường Đại học Mở TPHCM

Anh Thắng bày tỏ mong muốn, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cần có những chính sách thiết thực để giải quyết vấn đề này. Anh Thắng đề xuất một số giải pháp: Hạn chế mở trường đại học, cao đẳng ồ ạt; những trường nào không đủ điều kiện sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo. Các trường cũng cần đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng thực hành, trau dồi kỹ năng, đáp ứng nhu cầu thực tế. “Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và phân loại học sinh từ bậc THPT để những em nào thấy đủ năng lực sẽ tiếp tục con đường ĐH, CĐ, em nào không thể thì rẽ sang học trường nghề”, anh Thắng nói.

Chị Trần Thị Thanh Trà, giảng viên trẻ Trường Đại học Mở TPHCM đề xuất để giải quyết vấn đề thất nghiệp ngày càng gia tăng, Nhà nước cần có chính sách xây dựng các trung tâm dự báo nguồn nhân lực. Các trung tâm này sẽ tổ chức các cuộc khảo cứu về thực trạng nguồn lao động để đưa ra những con số chuẩn xác giúp cho các nhà đào tạo có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo TS Phan Văn Hồ Nam, giảng viên trẻ Trường Đại học Y Dược TPHCM: “Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nói về vấn đề xã hội hoá giáo dục nhưng theo tôi xã hội hoá phải có chọn lọc, không thể cho mở các trường đại học, cao đẳng ào ào để thu học phí, không chú trọng đến chất lượng dẫn đến tình trạng thừa thãi nguồn nhân lực không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Theo TS Hồ Nam, để từng bước giải quyết vấn đề thất nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần siết chặt đầu vào tuyển sinh cũng như đầu ra.

“Chúng ta thường nói với nhau, đào tạo là một chuyện còn “hãy để xã hội đào thải”. Nhưng thực tế, nếu đào tạo sai, không chất lượng khi ra trường lực lượng lao động một số ngành nghề sẽ có sự trả giá rất đắt. Ví dụ đối với nhóm ngành y, dược nếu không quản lý chặt chẽ chất lượng nguồn đào tạo, khi ra trường một dược sĩ, bác sĩ trình độ kém có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, mạng sống con người”, TS Hồ Nam nói.

Đột phá để thu hút nhân tài

Chính sách thu hút nhân tài cũng là vấn đề được người trẻ quan tâm góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

“Với những người trẻ, họ có lòng yêu nước, nhiệt huyết, hoài bão và dám nghĩ, dám làm, tiếp cận khoa học kĩ thuật nhanh. Để thu hút được nhân tài đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước, Đảng, Nhà nước ta cần có những giải pháp mang tính đột phá hơn so với những chính sách hiện tại”, anh Phạm Mạnh Thắng nói.

Anh Thắng đề xuất, cần thay đổi về chế độ đãi ngộ, tiền lương; tạo môi trường làm việc thuận lợi với những cơ sở vật chất tốt, điều kiện làm việc và dám mạnh dạn giao việc cho người trẻ và tin tưởng người trẻ để họ phát huy khả năng của mình. Đồng thời, tạo thêm nhiều chính sách ưu đãi khác như: Ưu đãi mua nhà, đất ở, tạo cơ hội cho người trẻ được học tập trau dồi chuyên môn trong nước và quốc tế.

“Để tìm được người tài thực sự, các địa phương cũng nên chủ động, mạnh dạn đến các trường đại học, học viện tìm những sinh viên xuất sắc đặt hàng, khuyến khích họ về địa phương công tác”, anh Thắng nói.

Chị Trần Thị Thanh Trà cũng cho rằng, để thu hút người tài, đặc biệt là người trẻ du học về nước làm việc, cống hiến, Đảng, Nhà nước cần có những chính sách hấp dẫn, ưu đãi về tiền lương, an sinh xã hội, chế độ hậu mãi xứng đáng so với công sức mà họ bỏ ra.

Theo TS Hồ Nam, thu hút các tiến sĩ trẻ, các nhà khoa học trẻ du học về nước làm việc là điều cần thiết. “Nhà nước cần mở rộng cơ chế, chính sách với đối tượng này. Đặc biệt khi về nước, cần cho họ thời gian để tìm hiểu, cống hiến, hỗ trợ trang thiết bị, nguồn vốn để họ thực hiện các đề tài nghiên cứu của mình”, TS Hồ Nam nói.

MỚI - NÓNG