USD tăng kịch trần, giữ được bao lâu?

Dù đã phá giá 5% nhưng nhiều diễn biến mới đang tiếp tục gây áp lực điều chỉnh tỷ giá VND/USD. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Dù đã phá giá 5% nhưng nhiều diễn biến mới đang tiếp tục gây áp lực điều chỉnh tỷ giá VND/USD. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Tỷ giá VND/USD đã bước sang ngày thứ hai tăng kịch trần. Giá tăng không chỉ tại các ngân hàng thương mại mà cả từ mua vào của Sở Giao dịch NHNN. Xuất hiện quan ngại áp lực đang đè lên tỷ giá và xu hướng điều chỉnh là điều không còn xa.

Bơm đến đâu mua đến đấy

Cuối sáng 15/12, ngân hàng Vietcombank niêm yết giá USD cả mua vào, chuyển khoản lẫn bán ra cùng ở mức 22.547 đồng - mức cao kịch trần NHNN cho phép. Như vậy, Vietcombank đã điều chỉnh tăng 83 đồng chiều mua và trở thành ngân hàng duy nhất niêm yết giá mua USD ở mức cao kịch trần (cuối giờ chiều giá mua vào đã về mức 22.517 đồng). Sacombank cùng lúc báo USD ở mức 22.480 - 22.547 đồng/USD, tỷ giá của Eximbank là 22.490 – 22.547 đồng. Tại Sở Giao dịch NHNN, tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng được đặt ở mức 21.890 đồng.

Trước những diễn biến này, phó tổng giám đốc phụ trách nguồn một ngân hàng cho PV Tiền Phong hay, hiện tất cả thị trường đều “ngóng” động thái của NHNN. “Từ hôm qua đến nay, tỷ giá các NHTM tăng kịch trần ai cũng thấy. Giá mua cao ngoài  tâm lý găm giữ của một số đối tượng còn xuất phát từ nhu cầu có thật của thị trường. Vấn đề đặt ra là NHNN sẽ chịu được đến đâu, còn như hiện tại, bán ra bao nhiêu, ngân hàng sẵn sàng “ôm” hết”, vị  này nói.

Cũng theo vị này, hiện với các NHTM nhỏ thì “cầu” USD chỉ dừng ở đơn hàng đến chục ngàn USD không thành vấn đề nhưng với 4 NHTM lớn, toàn khách “bự” cầu rất cao. Ví như Vietcombank chuyên về xuất nhập khẩu luôn có cầu mua nhiều. Doanh nghiệp mua ít thì không khảo giá, còn doanh nghiệp có đơn hàng từ vài triệu USD trở lên, họ thường kiểm tra báo giá khoảng 5 NHTM rồi mới lựa chọn. 

“Chỉ với 2 tuần nữa, hiện NHNN đủ sức duy trì tỷ giá nhưng  duy trì đến bao giờ và phải chi bao nhiêu dự trữ ngoại hối (bán ra) cho việc duy trì này. Hiện, dự trữ ngoại hối theo công bố còn khoảng 30 tỷ USD chưa được 3 tháng nhập khẩu (công bố thời điểm cao nhất tháng 7/2015 khoảng 37,5 tỷ). Nói chung, tình thế này đang đặt NHNN trước áp lực rất lớn”.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu

Hiện, rủi ro về tỷ giá đang là yếu tố chính tác động tiêu cực đến thị trường. Phân tích về động thái “kịch trần” của tỷ giá ngày 14/12, bộ phận nghiên cứu công ty chứng khoán Bảo Việt chỉ ra: Tác động trực tiếp từ câu chuyện FED tăng lãi suất đã được phản ánh thời gian qua và sẽ giảm bớt nếu quyết định này được chính thức thông qua vào rạng sáng ngày thứ năm theo giờ Việt Nam. Tuy nhiên, những tác động gián tiếp qua xu hướng yếu đi của đồng Nhân dân tệ lại đang gây ra sức ép tương đối lớn đối với VND. 

“Hiện tại, Nhân dân tệ (CNY) lại một lần nữa xuống sát và đang có nguy cơ phá vỡ vùng đáy này nên rủi ro và áp lực đối với VND sẽ quay trở lại. Đây là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến động thái của khối ngoại trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu cho đến khi NHNN có quyết định điều chỉnh tỷ giá, đáp ứng kỳ vọng của thị trường”, khối phân tích BVSC nhấn mạnh.

Giữ được bao lâu?

Dù NHNN đã lên tiếng nhấn mạnh điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ lên 3% hồi tháng 8/2015 đã tính đến việc FED nâng lãi suất, và đủ dư địa để duy trì tỷ giá ổn định tới những tháng đầu năm 2016. Tuy nhiên, xuất hiện quan ngại áp lực lên tỷ giá và việc NHNN phải tiếp tục điều chỉnh là không xa.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright  phân tích, việc FED chuẩn bị tăng lãi suất, đã gợi nhớ cho thị trường về việc VND có thể bị mất giá. “Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn diễn biến của đồng USD, dù trong năm 2015 đã tăng 5% nhưng so với các đồng tiền khác trong khu vực thì VND giảm giá ít hơn”, ông Thành nói và đưa ra ví dụ, đồng Ringgit của Malaysia trong năm đã giảm 21,3%; đồng Rupiah của Indonesia giảm 11,6%; đồng Bath của Thái Lan giảm 9,3% và đồng đô la Singapore giảm 6,6%; cho nên việc VND giảm giá 5% cũng chưa có gì đáng lo.

Phụ trách ngoại tệ một NHTM cổ phần bình luận: “Từ nay đến hết năm chỉ còn 2 tuần nữa chắc sẽ không điều chỉnh tỷ giá rồi. Nhưng để giữ được, NHNN sẽ phải bán ra một lượng kha khá ngoại tệ dự trữ. Chưa kể, đây là quý 4 của năm, thuộc về cao điểm của nhu cầu thanh toán thương mại xuất nhập khẩu (tăng 1,5-2 lần). Trong lần họp trước, Thống đốc cứ bảo không tác động nhưng phân tích của khối ngoại cho thấy, việc tác động của FED đến tỷ giá VND là có. Nói chung, muốn giữ được thì NHNN phải bán ngoại tệ ra. Lời hứa NHNN đã đưa ra thì phải cố gắng giữ, nếu không thị trường không chỉ kịch trần mà còn vượt trần”, vị này bày tỏ.

Gần đây, phân tích của các công ty chứng khoán trong nước hay các ngân hàng nước ngoài, các chuyên gia đều đưa ra nhận định, NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá thêm 2 - 5% trong năm 2016, và việc điều chỉnh đầu tiên có thể diễn ra đầu năm. Trong năm 2015, tiền đồng đã mất giá hơn 5% qua 3 lần điều chỉnh tỷ giá và 2 lần nới biên độ. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, gợi ý đến việc thả nổi đồng tiền Việt, thay vì neo cứng VND. Tuy nhiên, quan ngại lớn nhất là khi thả nổi, thì nợ công Việt Nam sẽ thêm nặng gánh chi trả.

MỚI - NÓNG