Vậy mức độ quan tâm và khả năng đáp ứng, vượt rào cản kỹ thuật của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương xung quanh vấn đề này.
Xin chào Ông Trần Thanh Hải!
PV: Cùng với tự do hóa thương mại, với sự mờ dần của các biện pháp thuế quan, các quốc gia có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều các hàng rào kỹ thuật. Ông đánh giá như thế nào về mức độ áp dụng và tính chất của các hàng rào kỹ thuật trong thương mại hiện nay?
Có thể nói, mức độ áp dụng các biện pháp kỹ thuật về TBT ngày càng gia tăng. Các biện pháp TBT được áp dụng phổ biến. Khảo sát doanh nghiệp ở 11 quốc gia đang phát triển của ITC cung cấp thêm bằng chứng về sự gia tăng biện pháp TBT được các doanh nghiệp xem là có ảnh hưởng trực tiếp.
Hiện nay, hệ thống các biện pháp TBT rất đa dạng và phức tạp, đặc biệt là các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản có rất nhiều biện pháp TBT với mức độ rất phức tạp. Có sự khác biệt trong việc sử dụng biện pháp TBT ở các nước có nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Bên cạnh đó, mức độ áp dụng biện pháp TBT giữa các ngành/lĩnh vực cũng rất khác nhau, các biện pháp TBT ảnh hưởng đến một số lĩnh vực nhất định, với mức độ tác động khác nhau.
PV: Như ông vừa chia sẻ, có sự khác biệt trong việc sử dụng biện pháp TBT ở các nước có nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Thế nhưng, liệu có xảy ra sự phân biệt đối xử trong việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật khác nhau cho hàng hóa nhập khẩu của các quốc gia khác nhau, thưa ông?
Một trong những nguyên tắc cơ bản của Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của WTO (Hiệp định TBT) mà các nước thành viên của WTO bắt buộc phải tuân thủ là nguyên tắc không phân biệt đối xử. Điều đó có nghĩa, không có quốc gia nào được phép áp dụng biện pháp TBT riêng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Cũng tương tự như Việt Nam, bất kỳ một nước thành viên WTO nào khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nào đó đều phải đáp ứng các biện pháp TBT của thị trường xuất khẩu đó. Việt Nam hiện là nước đang phát triển nên cũng gặp phải nhiều khó khăn chung từ các biện pháp TBT cản trở các nước đang phát triển xuất khẩu vào thị trường nước phát triển.
PV: Cũng như các quốc gia khác, một trong những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải khi xuất khẩu hàng hóa chính là vấn đề đáp ứng các quy định liên quan về hàng rào kỹ thuật của thị trường nhập khẩu. Vậy, đối với Việt Nam, đâu là những ngành, lĩnh vực đang phải chịu áp lực nhiều nhất từ những hàng rào kỹ thuật này, thưa ông?
Hiện nay, một số ngành hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam đang phải chịu nhiều tác động này có thể kể đến như: ngành hàng dệt may, da giầy, thủy sản, nông sản....vv
Đối với Ngành hàng dệt may: Hiện nay, Hoa Kỳ và EU là 2 thị trường lớn của xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là các thị trường khó tính nhất với rất nhiều quy định về TBT. Hoa Kỳ có trên 60 quy chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm dệt may về phân loại sản phẩm dệt may, gắn nhãn hiệu, biểu tượng, chỉ dẫn xử lý quần áo; tiêu chuẩn chống cháy đối với sợi và thảm len, tiêu chuẩn chống cháy cho quần áo ngủ, quần áo trẻ em… EU cũng có trên 80 quy chuẩn kỹ thuật như: nhãn EC, quy định về nhãn mác; quy định về về đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế sử dụng hóa chất (REACH), quy định về nhãn sinh thái (EU ecolabel, nhãn tiêu chuẩn OKO-Tex 100...), quy định về truy xuất nguồn gốc...vv
PV: Rõ ràng, khó khăn, thách thức về hàng rào kỹ thuật đối với các doanh nghiệp Việt Nam là hiện hữu. Vậy, khả năng đáp ứng và vượt rào cản kỹ thuật hiện nay của các doanh nghiệp Việt thế nào, thưa ông?
Có thể chia thành hai nhóm doanh nghiệp:
Thứ nhất, nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, gia công hàng hóa theo yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài. Thông thường, khi sản xuất đã tuân theo những tiêu chuẩn, quy chuẩn nhất định, kể cả hệ thống, thiết bị sản xuất cũng phải đáp ứng theo yêu cầu nghiêm ngặt. Đối với các doanh nghiệp này, khả năng vượt rào khá tốt;
Thứ hai, nhóm các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vốn ít, công nghệ thấp, năng lực cạnh tranh yếu, không có đầu mối liên lạc ở bên quốc gia nhập khẩu trước khi sản xuất, vì vậy, khi xuất khẩu, các vấn đề hàng rào kỹ thuật sẽ phát sinh. Đây cũng là nhóm mà các cơ quan Nhà nước, các tổ chức cần phải đặc biệt quan tâm, hỗ trợ.
Nhìn chung, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và phải đối đầu trực tiếp với vấn đề “rào cản kỹ thuật”. Thực tế khi gặp phải vấn đề này nhiều doanh nghiệp bị động, lúng túng vì thiếu thông tin liên quan, mặc dù sau khi gia nhập WTO năm 2007, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cùng các Bộ ngành triển khai Đề án TBT, trong đó tập trung nhiệm vụ về tuyên truyền, phổ biến về các nội dung liên quan Hiệp định TBT và các thông tin về TBT của các thị trường trên thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 08h55’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/