Ứng phó nguy cơ động đất, sóng thần

Ứng phó nguy cơ động đất, sóng thần
TP - Các chuyên gia dự báo nếu tâm chấn động đất xảy ra ở trung tâm TPHCM với cường độ 5 richter, sẽ có 30 - 40% nhà cửa sập.

>> Ý kiến khác nhau về việc mây phóng xạ lan đến Việt Nam

Bản đồ phân vùng động đất tại TPHCM Ảnh: L.T
Bản đồ phân vùng động đất tại TPHCM. Ảnh: L.T .

Theo đại diện Liên đoàn Địa chất bản đồ miền Nam (LĐ ĐCBĐMN), TPHCM chịu tác động bởi nhiều đới đứt gãy nên có nhiều khả năng xảy ra động đất. Từ năm 1967 đến nay, TPHCM xảy ra nhiều trận động đất, lớn nhất là trận động đất 4,8 độ richter ở khu vực cửa biển Cần Giờ (năm 1967).

TPHCM chịu ảnh hưởng bởi các đới đứt gãy sông Vàm Cỏ Đông; sông Sài Gòn, Bình Long-Chứa Chan; DakMil-Bình Châu; Hòn Khoai-Cà Ná; Mỹ Tho-Gò Công, Cửu Long - Côn Sơn, Thuận Hải - Minh Hải… 

LĐ ĐCBĐMN mới đây hoàn thành bản đồ “Phân vùng nhỏ động đất TPHCM”. Dự báo cường độ động đất xảy ra mạnh nhất ở TPHCM sẽ không vượt quá 5,5 độ richter và độ sâu tiêu chấn không vượt qua 17 km.

Dù được xác định ít có nguy cơ song mức độ thiệt hại khi xảy ra động đất là rất cao. Bởi phần lớn diện tích TPHCM nằm trên nền đất yếu, nhiều nơi có nguy cơ đất hóa lỏng nhất là khu vực ven sông thuộc khu đô thị Nam Sài Gòn. Viện Vật lý địa cầu, cảnh báo nếu tâm chấn động đất xảy ra tại trung tâm TPHCM với cường độ 5 richter, sẽ có 30-40% nhà cửa bị đổ sập.

Sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất

Năm 2008, Sở TN&MT TPHCM ban hành phương án ứng phó, khắc phục hậu quả động đất, sóng thần. Năm 2010, TPHCM chọn huyện Cần Giờ diễn tập ứng phó sự cố sóng thần, nước biển dâng và bão đổ bộ. TPHCM cũng chọn quận 4 (nằm gần đới đứt gãy sông Sài Gòn, bị thiệt hại nặng nhất nếu xảy ra động đất) để diễn tập ứng phó với dư chấn động đất.

Theo Sở TN&MT, TPHCM có thể xảy ra động đất gây sóng thần ở khu vực ven biển. Vì vậy, theo kịch bản, toàn bộ quận, huyện phải ứng phó, khắc phục hậu quả động đất. Riêng hai huyện Cần Giờ, Nhà Bè ứng phó thêm hiểm họa sóng thần.

TPHCM đã phát hành rộng rãi Sổ tay Hướng dẫn một số biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai trên địa bàn TPHCM, tuyên truyền kiến thức cần thiết để người dân tự bảo vệ khi có động đất.

Đối với hiểm họa sóng thần, theo Sở TNMT, cần xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ cho khu vực; thiết lập hệ thống cảnh báo sóng thần.

Quy hoạch và áp dụng giải pháp phòng chống sóng thần hợp lý cho các công trình trong khu vực hai huyện Cần Giờ, Nhà Bè; áp dụng giải pháp giảm tác động của sóng thần, như: tường chắn, rừng cây, giải pháp kết cấu, vật liệu, bố trí mặt bằng... Khi xuất hiện nguy cơ, địa phương tổ chức sơ tán người dân vào sâu trong đất liền cách bờ biển trên 10km.

Bộ Xây dựng đã phân vùng động đất cụ thể cho từng quận - huyện. Theo quy định, các công trình xây dựng ở TPHCM đều được thiết kế chịu động đất cấp VII. Mỗi quận - huyện có mức độ bị ảnh hưởng riêng. Việc phân vùng động đất để giúp từng quận - huyện tính toán độ kháng chấn cho từng công trình phù hợp, tránh lãng phí.

Theo Phó giám đốc Sở XD Nguyễn Văn Hiệp, sau mỗi lần xảy ra động đất, Sở đều kiểm tra một số chung cư cũ, cao ốc. Hầu hết chỉ bị rung lắc, chưa có công trình nào bị thiệt hại sau động đất.

TS Nguyễn Sinh Minh, Viện trưởng Viện KHCN và Kinh tế xây dựng Hà Nội, cảnh báo, các kết quả nghiên cứu cho thấy Hà Nội nằm trong vùng động đất trung bình đến cấp 8, nhưng nhiều người còn chủ quan, công tác tuyên truyền rất hạn chế.

Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, những toà nhà cao tầng mới xây đã được tính toán kháng chấn. Nhưng hàng trăm chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, hàng vạn nhà dân tự xây không được kiểm soát về chất lượng. Đợt rung chấn tối 24-3 được coi là sự kiểm chứng đối với văn bản chỉ đạo mới đây của UBND thành phố Hà Nội về cảnh báo, triển khai phòng tránh và khắc phục hậu quả động đất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG