Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hoá Việt Nam, vào 20h52 phút giờ Hàn, 8h52 phút giờ Việt Nam sáng 8/12, di sản Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hát Xoan không cần “hà hơi thổi ngạt”
Tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Hát Xoan chính thức trở thành Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trước đó, Hát Xoan được ghi danh vào danh mục cần bảo vệ khẩn cấp. Tuy nhiên Chính phủ Việt Nam nỗ lực thực hiện những cam kết để đưa Xoan khỏi danh sách di sản cần “hà hơi thổi ngạt”.
Theo kết quả Báo cáo định kỳ quốc gia (năm 2016) về tình trạng của Hát Xoan Phú Thọ, theo đánh giá việc thực hiện kế hoạch bảo vệ di sản, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã kết luận di sản Hát Xoan Phú Thọ đã không còn đáp ứng một hoặc nhiều tiêu chí của Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Trước hết, những nỗ lực gần đây của cộng đồng địa phương và Chính phủ đã khôi phục đáng kể khả năng tồn tại của nó kể từ khi được ghi danh tại Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011. Ví dụ, năm 2009, bốn phường Xoan có khoảng 100 người hát và nhạc công hoạt động không thường xuyên, với hơn phân nửa là trên 60 tuổi. Ngày nay, các phường có gần 200 thành viên với độ tuổi trung bình là 35.
Thứ hai, dự án bảo vệ và phát huy Hát Xoan do Thủ tưởng Chính phủ Việt Nam phê duyệt đã thực hiện từ năm 2013 và sẽ được tiếp tục cho đến năm 2020, đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và phục hồi di sản với sự hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng.
Thứ ba, các phường Xoan và cộng đồng, các học viên và các tổ chức có liên quan đã tham gia tích cực vào việc chuẩn bị Báo cáo định kỳ quốc gia, nhiệt tình tham gia vào các cuộc phỏng vấn, thảo luận và hội thảo. Hơn nữa, di sản này đã được kiểm kê rộng rãi với sự tham gia của cộng đồng từ năm 2012 đến năm 2015, với các thông tin được cập nhật hàng năm.
Di sản đại diện nhân loại
Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ là nghệ thuật trình diễn bao gồm hát, múa, gõ trống và phách, gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương. Những người lưu giữ và thực hành hình thành nên bốn phường Xoan, trong đó, Trùm nam và nữ đóng vai trò quan trọng nhất: Giữ gìn các bài hát, lựa chọn đệ tử, truyền dạy phong cách hát và các tiết mục và tổ chức thực hành. Họ cũng tích cực giới thiệu và giảng dạy Hát Xoan tại các phường Xoan và trong các câu lạc bộ.
Uỷ ban Liên Chính phủ đánh giá cao hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện. Hát Xoan đáp ứng một số tiêu chí như: Cách thức các cộng đồng đã đầu tư nhiều công sức vào việc phổ biến kiến thức và truyền dạy thực tiễn cho Hát Xoan đến một nhóm lớn những người lưu giữ mới, do đó xác nhận việc tăng cường hơn nữa chức năng xã hội của việc thực hành. Là một hình thức nghệ thuật trình diễn diễn cộng đồng, Hát Xoan cung cấp cho cư dân tỉnh Phú Thọ cảm giác gắn kết, hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau, thể hiện sự kế tục của di sản qua việc kết nối di sản sống với nhu cầu thực hành ngày nay.
Do di sản này đã trải qua thời kỳ mai một nghiêm trọng trong thế kỷ XX và đã được khôi phục thành công nhờ vào những nỗ lực đáng kể của cộng đồng địa phương và các bên liên quan khác, việc đưa Hát Xoan vào Danh sách Đại diện có thể là một ví dụ về một di sản được thực hành hiệu quả và tạo ra cảm hứng đối thoại với cộng đồng trên toàn thế giới về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể.