Giảm leo thang xung đột
Theo thỏa thuận Minsk, Quốc hội Ukraine có 30 ngày để hoàn tất danh sách những khu vực ở Donbass được trao quy chế đặc biệt về chính trị lẫn kinh tế. Hạn chót của việc lập danh sách vào ngày 14/3. Dự kiến, việc bỏ phiếu sẽ tiến hành vào ngày 17 hoặc 18/3.
Trước đó, vào ngày 12/3, Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraine (NSDC) xác định ranh giới một số huyện ở Donbass. Theo các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình Minsk-2, quy chế đặc biệt sẽ được thực thi ở một vài khu vực thuộc hai nước cộng hòa tự xưng là Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) ở miền Đông. Tuy nhiên, phía Kiev tuyên bố một số vùng bị quân chống đối chiếm đóng sau ngày 19/8/2014 sẽ không được áp dụng quy chế này. Tuyên bố này được cho là sẽ gây gia tăng căng thẳng giữa Chính phủ Ukraine và phe chống đối khi các lãnh đạo của DPR và LPR nhiều lần hối thúc chính quyền Kiev trao cho họ nhiều quyền tự chủ, qua đó yêu cầu cải cách Hiến pháp.
Vào cuối năm 2014, Kiev từng đề xuất một bộ luật về việc áp dụng quy chế đặc biệt cho một số khu vực ở miền Đông và được đệ trình lên Quốc hội. Tuy nhiên, không lâu sau, bộ luật này đã bị bãi bỏ.
Ngày 13/3, một tháng sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko xác nhận đã giảm leo thang xung đột trong cuộc giao tranh giữa các lực lượng chính phủ và phe chống đối. Trong một tuần trở lại đây, phía Ukraine không có tổn thất về quân sự. Phát biểu của ông Poroshenko phù hợp với những nhận định trước đó của các giám sát viên quốc tế về việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông Ukraine khi ngày 12/3, các giám sát viên này cho rằng thỏa thuận ngày 12/2 đã được thực thi trong phạm vi rộng.
Theo Russia Today, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố nước này đã ký hợp đồng mua vũ khí, bao gồm cả vũ khí sát thương, với tổng cộng 11 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Theo nguồn tin trên, ông Poroshenko trước đây đã từng vài lần úp mở về các hợp đồng mua vũ khí với nhiều nước châu Âu.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 75 triệu USD cho Ukraine, trong đó gồm 230 xe địa hình, máy bay không người lái, radar chống pháo và các thiết bị liên lạc, do thám. Nhà Trắng đã sẵn sàng giải ngân gói hỗ trợ quân sự trị giá từ 100-120 triệu USD nhằm hỗ trợ Kiev chống lại lực lượng chống đối ở miền Đông Ukraine. Tổng viện trợ của Wahshington dành cho Kiev năm vừa qua đạt 200 triệu USD.
Nga chưa có phản ứng nào về động thái mới từ phía chính quyền Mỹ. Nhưng trong một tuyên bố trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov khẳng định, các hành động cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn và là một đòn giáng mạnh xuống các nỗ lực thực hiện các bản thỏa thuận Minsk. Nga duy trì một lập trường cho rằng, cơ hội tốt nhất có thể mang lại hòa bình cho Ukraine nằm trong các bản thỏa thuận ngừng bắn Minsk. Nhiều nước châu Âu cũng bày tỏ quan ngại rằng các hợp đồng vũ khí cho Kiev có thể dẫn đến leo thang chiến sự tại khu vực miền Đông Ukraine.