“Úc sẽ tiếp tục duy trì quan điểm nhất quán”, Reuters dẫn lời ông Morrison nói tại một cuộc họp báo tại Canberra khi được hỏi rằng có ủng hộ quan điểm của Mỹ về biển Đông hay không.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong mới đây, GS Carlyle Thayer (ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) nói rằng, Úc coi biển Đông có tầm quan trọng rất cao về thương mại, quốc phòng và ổn định địa chính trị. Ông cho biết, Hải quân Úc vừa tập trận với Hải quân Mỹ ở biển Đông sau khi Hải quân Mỹ cử hai tàu tới phía đông Malaysia để giám sát tàu Hải dương địa chất 4 của Trung Quốc.
Mỹ đã thay các máy bay ném bom B52 ở đảo Guam bằng máy bay tàng hình B2 hiện đại hơn để duy trì hiện diện liên tục ở biển Đông, rồi tuần tra hàng hải liên tục, kể cả ở eo biển Đài Loan. Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục phản ứng bằng cách chỉ trích Mỹ và đồng minh trên báo chí, mạng xã hội; cho tàu, máy bay theo sát, thậm chí chĩa laser vào máy bay Mỹ, Úc; tăng cường tập trận trên biển, GS Thayer nhận định. Theo ông, căng thẳng sẽ leo thang nhưng không nghiêm trọng, không đến mức va chạm trực tiếp. Trung Quốc và Mỹ sẽ tập trung xử lý các vấn đề liên quan đại dịch COVID-19, tình hình Hong Kong và chiến tranh thương mại.
Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo ngày 15/7 nói rằng, Mỹ sẽ ủng hộ những nước tin rằng Trung Quốc vi phạm các tuyên bố chủ quyền của họ trên biển Đông. Nhưng ông Pompeo nhấn mạnh Mỹ sẽ làm điều này tại các diễn đàn đa phương và pháp lý, chứ không phải bằng phương tiện quân sự. Hôm 13/7, Mỹ ra tuyên bố bày tỏ lập trường khẳng định yêu sách của Trung Quốc đối với các cấu trúc và tài nguyên trên biển Đông là trái luật pháp. Tuyên bố này đánh dấu lần đầu tiên Mỹ khẳng định quan điểm rõ ràng đối với các yêu sách của Trung Quốc, từ bỏ quan điểm trung lập như thường thấy trước đây.
Năm 2016, Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay, Hà Lan, ra phán quyết chống lại Trung Quốc trong vụ kiện về biển Đông do Philippines là đương đơn. Phát ngôn viên Tổng thống Philippines Harry Roque hôm 15/7 nói rằng, nước này “không từ bỏ” các quyền được khẳng định trong phán quyết. “Không may là phán quyết của Tòa trọng tài thường trực không có cách nào để thực thi, nên chúng tôi phải tìm kiếm những phương tiện khác để giải quyết tranh chấp”, ông nói.