Bà Kathleen Folbigg phát biểu bên ngoài tòa án sau khi được xóa án tích (Ảnh: BBC). |
Tòa án Tối cao bang New South Wales (vùng biển phía Đông nước Úc), đưa ra phán quyết trên sau khi xác định các chứng cứ gốc dùng để phạt tù bà Folbigg “không đủ độ tin cậy”.
Hồi tháng 6 năm nay, bà Folbigg đã được Chính phủ Úc tuyên vô tội và ân xá sau 20 năm phải ngồi tù oan. Người mẹ 56 tuổi hoan nghênh phán quyết mới nhất của Tòa án Tối cao bang New South Wales, tuy nhiên cho biết những bằng chứng về sự vô tội của bản thân đã bị bác bỏ một cách thẳng thừng.
“Hệ thống [tư pháp Úc] một mực kết án tôi hơn là việc chấp nhận rằng đôi khi trẻ em có thể chết đột ngột, bất ngờ và đau lòng", bà Folbigg phát biểu bên ngoài tòa án. Vụ án oan của người mẹ 56 tuổi được coi là một trong những sai lâm lớn nhất của hệ thống tư pháp nước này.
Theo hồ sơ vụ án, các công tố viên đã đề nghị truy tố bà Folbigg với cáo buộc đã làm ngạt thở 4 trẻ sơ sinh (tên Caleb, Patrick, Sarah và Laura) là con của mình, sau khi những đứa trẻ này tử vong một cách bất thường trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến 1999.
Chứng cứ buộc tội dựa trên bằng chứng gián tiếp, khi sử dụng nhật ký của bà Folbigg, người vốn chưa bao giờ được các nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần kiểm tra, trong đó miêu tả bà là một người mẹ “có tâm lý không ổn định, dễ nổi cơn thịnh nộ”
Vào năm 2003, tòa án sơ thẩm đã tuyên án 40 năm tù đối với bà Folbigg vì hành vi sát hại các bé Sarah, Patrick, Laura, cùng tội ngộ sát bé Caleb. Mức án sau đó giảm xuống còn 30 năm ở phiên tòa phúc thẩm, tuy nhiên rất nhiều đơn kêu oan của người mẹ 56 tuổi sau đó đều không được chấp nhận.
Đầu năm nay, một cuộc điều tra về vụ án của bà Folbigg đã kết luận rằng có cơ sở để nhận định đây là một vụ oan sai, sau khi các phát hiện khoa học cho biết những người con của bà Folbigg có thể đã tử vong vì nguyên nhân tự nhiên do “đột biến gen cực kỳ hiếm gặp”.
Vụ oan sai của bà Folbigg đã thu hút sự chú ý trên thế giới, đồng thời cáo buộc hệ thống pháp luật Úc đã không thích ứng kịp với việc áp dụng khoa học tiên tiến trong việc xác định tính chính xác của bằng chứng phạm tội.
Đội ngũ tư pháp của bà Folbigg xác nhận sẽ làm đơn yêu cầu bồi thường cho thân chủ của mình, tuy nhiên không tiết lộ con số cụ thể.