“Uẩn khúc tài sản bị cướp”: Quá muộn để điều tra bổ sung

Điều tra viên và kiểm sát viên lập bản ảnh hiện trường vụ án, sau hơn 5 tháng xảy ra vụ án (Trích Bản ảnh hiện trường)
Điều tra viên và kiểm sát viên lập bản ảnh hiện trường vụ án, sau hơn 5 tháng xảy ra vụ án (Trích Bản ảnh hiện trường)
TP - Nếu số than bị “cướp” được xác định chính là tài sản các bị cáo bị đánh cắp, có thể kết luận các bị cáo không phạm tội cướp, họ chỉ thực hiện quyền thu hồi tài sản của mình do người khác phạm tội mà có.

Những việc lẽ ra phải làm…


Số báo trước đã nêu, chị Vũ Thị Dung (nạn nhân bị “cướp” than) khai 22 bao than chị Dung và một số người “quét, vét” được ở một địa điểm cách nơi tập kết than khoảng 2 km. Tuy nhiên, CQĐT không xác định hiện trường nơi chị Dung “quét, vét” than, kiểm tra xem có những dụng cụ dùng để “quét, vét” như chổi, xẻng không, cũng không thu giữ mẫu than tại địa điểm này.

Hồ sơ vụ án có “Biên bản xác định hiện trường”, tuy nhiên đây là hiện trường nơi chị Dung tập kết than, không phải hiện trường “quét, vét” than. CQĐT có lập “bản ảnh”, trong đó có bãi tập kết than của Cty than Đông Bắc, bãi tập kết than của bị cáo Hà Mạnh Sơn, nhưng cũng không có ảnh nơi chị Dung “quét, vét” than. Cần nói thêm, “biên bản hiện trường” và “bản ảnh” được lập hơn 05 tháng sau khi vụ án xảy ra, vì vậy dấu vết vụ mất trộm than (nếu có) tại bãi than của Sơn như bị cáo này khai đã hoàn toàn không còn.

CQĐT có lấy mẫu than bị “cướp” gửi đi giám định, kết quả đây là than cám A7. Tuy nhiên, CQĐT không lấy mẫu than đối chứng tại hiện trường chị Dung “quét, vét” than, cũng như tại các bãi than của Cty than Đông Bắc và của bị cáo Sơn. Nếu CQĐT lấy mẫu đối chứng, kết quả giám định các mẫu này sẽ có cơ sở nhận định chính xác nhóm chị Dung đã “quét, vét” được than ở nơi nào.

Và những vi phạm tố tụng

Hồ sơ vụ án cho thấy có rất nhiều vi phạm tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố. Bị cáo Sơn muốn có luật sư bào chữa, CQĐT bèn lập “Biên bản về việc giải thích người được trợ giúp pháp lý”. Theo đó, người ta giải thích bị cáo Sơn không thuộc diện người nghèo, người có công, người già cô đơn, tàn tật… nên không được hưởng “trợ giúp pháp lý” (?!).

Nhiều biên bản hỏi cung có dấu hiệu mớm cung. Chẳng hạn, thay vì hỏi “Anh Sơn trình bày sự việc xảy ra sáng 03/11/2013”, điều tra viên hỏi “Anh Sơn hãy trình bày cụ thể toàn bộ hành vi anh cùng đồng bọn chiếm đoạt tài sản của chị Vũ Thị Dung vào ngày 03/11/2013”. 

Những vi phạm tố tụng kiểu này không được Viện KSND TP Cẩm Phả phát hiện, khắc phục. Trái lại, quý Viện cũng vi phạm tố tụng, điển hình là việc Phó viện trưởng Nguyễn Văn Thạnh “ký thay” Viện trưởng trên các quyết định tố tụng và cáo trạng.

Theo hồ sơ vụ án, ông Thạnh đã được Viện trưởng Đỗ Thị Dung phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra với tư cách Phó viện trưởng. Theo Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự, ông Thạnh phải ký các quyết định tố tụng với tư cách Phó viện trưởng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình, chứ không phải “ký thay” cho Viện trưởng.

Quá muộn?

Trong vụ án này, hàng loạt hoạt động điều tra đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự như khám xét hiện trường, thực nghiệm điều tra, thu giữ - giám định mẫu vật… không được CQĐT tiến hành kịp thời, đầy đủ. CQĐT đã hoàn toàn bác bỏ lời trình bày của bị cáo Sơn rằng số than bị cáo này thu giữ rất có thể bị hại Dung đã lấy cắp từ bãi than của Sơn, mà không cần tiến hành bất cứ biện pháp điều tra nào.

Việc điều tra bổ sung có lẽ đã quá muộn, bởi hiện trường “quét, vét” than theo lời khai của bị hại Dung, hoặc dấu hiệu cào vét trộm tại bãi than của bị cáo Sơn theo lời khai của Sơn, đã hoàn toàn bị xáo trộn.

Nhiều người tham dự phiên tòa sơ thẩm nhận định rất có thể HĐXX sẽ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Nếu việc điều tra bổ sung không đem lại kết quả, những người dự tòa hy vọng HĐXX sẽ tuyên “tài liệu, chứng cứ không đủ để kết luận các bị cáo đã có hành vi cướp tài sản”, bởi diễn biến tại tòa đã cho thấy rõ điều này.

“Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. 

(Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định về việc xác định sự thật của vụ án)

MỚI - NÓNG