Hợp đồng Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) đặt mua 80 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp được ký kết nhân chuyến thăm đến UAE của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo Reuters, ngoài hợp đồng mua 80 tiêm kích đa năng Rafale trị giá không dưới 15 tỷ USD, UAE cũng đồng ý mua 12 trực thăng vận tải Caracal và trang thiết bị đi kèm do Pháp sản xuất. Tổng trị giá của gói hợp đồng này rơi vào khoảng 19,2 tỷ USD. Tuy nhiên, kèm theo hợp đồng là việc Không quân Pháp phải lấy lại 60 máy bay chiến đấu Mirage 2000 mà Pháp đã bán cho UAE trong các năm trước đó. Các chiến đấu cơ sẽ được giao từ năm 2027.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly gọi đây là hợp đồng lịch sử, đóng góp trực tiếp cho ổn định khu vực.
Hợp đồng bán 80 tiêm kích Rafale cho UAE là hợp đồng xuất khẩu lớn nhất của dòng chiến đấu cơ này kể từ khi được Pháp đưa vào biên chế năm 2004. Kỷ lục trước đó thuộc về Qatar và Ai Cập với lần lượt 36 và 54 chiếc.
Dassault Rafale là tiêm kích phản lực đa năng hai động cơ được trang bị nhiều loại vũ khí có độ chính xác cao, tiêm kích Rafale có thể thực hiện các nhiệm vụ đa dạng như chiếm ưu thế trên không, đánh chặn tầm xa, trinh sát, yểm trợ mặt đất, công kích sâu trong lãnh thổ đối phương, chống hạm và răn đe hạt nhân.
Hệ thống điện tử hàng không trung tâm của Rafale ứng dụng công nghệ tích hợp module hóa, giúp kiểm soát toàn bộ tính năng chính của tiêm kích như điều khiển bay, hợp nhất dữ liệu, dẫn bắn cho vũ khí và giao tiếp giữa phi công với máy bay.
Tổng cộng hơn 200 tiêm kích Rafale đã được xuất xưởng, mỗi chiếc có giá khoảng gần 100 triệu USD, chưa kể tới các hệ thống vũ khí và chi phí phụ tùng bảo dưỡng. Vì thế, Rafale được mệnh danh là chiếc tiêm kích "đắt nhất hành tinh".
Năm quốc gia đã vận hành dòng chiến đấu cơ này gồm Pháp, Ai Cập, Ấn Độ, Qatar và Hy Lạp. Mới đây, Croatia đặt mua 12 chiếc Rafale đã qua sử dụng của Pháp và dự kiến nhận bàn giao từ năm 2023.