Tỷ phú tăm

TP - Nguyễn Bách Trường (sinh 1987 ở xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội) vươn lên làm giàu từ mô hình sản xuất tăm giang. Mỗi năm, cơ sở của anh tiêu thụ khoảng 3 tấn tăm, mang về doanh thu hơn 3 tỷ đồng.
Tỷ phú tăm ảnh 1

Nhiều đoàn viên đến tham quan và học tập mô hình sản xuất tăm giang

Nhà nghèo từng phải bỏ học

Trường là con cả trong gia đình có ba anh chị em. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, học lớp 8, Trường phải bỏ học một năm để làm thêm kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ bằng nghề làm nến.

Công việc vất vả, Trường thấy chỉ con đường học hành tử tế mới có thể thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững. Anh quyết tâm xin bố mẹ cho đi học lại. Dù sáng đi học, chiều đi làm nến, Trường vẫn không nản lòng mà luôn cố gắng vươn lên.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Trường lên đường nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Khoảng thời gian này cũng chính là lúc Trường trăn trở về việc tìm một hướng đi mới cho bản thân để vươn lên thoát nghèo.

“Gia đình tôi vốn có nghề làm tăm, nhưng chủ yếu là sản xuất tăm tre thủ công, quy mô nhỏ, tăm tre dễ mốc, chất lượng kém nên làm quanh năm nghèo vẫn hoàn nghèo. Tôi muốn sản xuất tăm từ một nguyên liệu khác sạch hơn, giá trị cao hơn, không độc hại. Và cây giang đáp ứng được các yêu cầu đó, tôi nghĩ sẽ dùng giang làm tăm thay thế tre”, anh Trường chia sẻ.

Năm 2009, anh xuất ngũ và bắt đầu mở một xưởng nhỏ sản xuất tăm. Sau khi kết hôn, được mẹ cho vài tạ tăm làm vốn, vợ chồng anh bán được 5 triệu đồng, chính thức bắt tay khởi nghiệp.

“Đợt đấy, lần đầu tiên có một cửa hàng ở Hà Đông đặt hàng mấy trăm gói tăm liền, tôi mừng đến phát khóc, cuối cùng sản phẩm của mình đã xây dựng được thương hiệu riêng ”.

Nguyễn Bách Trường

Những năm đầu tiên, Trường sản xuất và kinh doanh tăm bằng cách bán trực tiếp tại các cửa hàng trong huyện Hoài Đức và một số vùng lân cận như Thạch Thất, Chương Mỹ, Xuân Mai...

Đây cũng là quãng thời gian vất vả nhất khi tăm sản xuất ra không bán được, liên tục bị ế ẩm do cửa hàng chưa có thương hiệu, cũng như tạo được độ uy tín với khách hàng.

Những ngày đầu mang tăm đi bán, Trường phải đi xa 50- 60 km để chào hàng nhưng đều bị từ chối. Anh vẫn kiên trì thuyết phục, mang tăm cho khách hàng dùng thử miễn phí. Trường chú trọng về mẫu mã, gia công để sản phẩm tăm có chất lượng tốt.

Thấy sản phẩm có chất lượng tốt, nhiều ưu việt hơn so với tăm tre, nhiều doanh nghiệp, nhà hàng tìm đến cơ sở sản xuất của anh đặt hàng. “Đợt đấy, lần đầu tiên có một cửa hàng ở Hà Đông đặt hàng mấy trăm gói tăm liền, tôi mừng đến phát khóc, cuối cùng sản phẩm của mình đã xây dựng được thương hiệu riêng ”, anh Trường vui vẻ.

Tỷ phú tăm ảnh 2

Nguyễn Bách Trường

Thu 3 tỷ đồng/ năm

Có được những đồng lãi đầu tiên, nhận thấy tiềm năng phát triển của tăm giang, năm 2012, anh Trường mạnh dạn vay mượn để đầu tư hơn 2 tỷ đồng để mở thêm xưởng sản xuất mua sắm máy móc để sản xuất.

Hiện tại, cơ sở sản xuất tăm Trường Thịnh của anh có doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm. Đồng thời tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động địa phương, với mức lương trung bình là 3 - 4 triệu đồng/ tháng. Để có nguyên liệu sản xuất, anh Trường phải nhập giang từ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Yên Bái… giao cho từng hộ gia đình tuốt sợi bằng tay.

Sau đó, các sợi giang sẽ được chuyển về xưởng để chọn lọc những nguyên liệu đạt chất lượng, rồi tiến hành xén, sấy khô và đóng gói. Tăm giang Trường Thịnh được chia thành 7 loại, nổi bật nhất là tăm tiệc cưới và tăm vỉ, được bán với giá 1.000 đồng/gói, 6.000 đồng trên hộp.

“Tôi đánh giá cao mô hình làm kinh tế sản xuất tăm giang của đoàn viên Nguyễn Bách Trường. Cơ sở sản xuất của anh Trường đã tạo việc làm ổn định cho nhiều đoàn viên trong xã, góp phần cho việc phát triển kinh tế địa phương”.

Đoàn Hữu Hòa, Bí thư Đoàn xã Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội)

Nói về đặc tính của cây giang anh Trường chia sẻ: “Cây giang là nguyên liệu tươi nên cần được sấy bằng ga để làm khô trong 10 phút. Nếu kỹ thuật sấy đạt chuẩn, tăm sẽ được bảo quản từ 6 tháng đến 1 năm, nếu không sẽ nhanh bị ẩm, mốc…

Vì không tẩy trắng bằng lưu huỳnh nên giữ nguyên được màu xanh, thơm và dẻo dai, mang đến sản phẩm an toàn, có giá trị sử dụng tốt”.

Nói về dự định của bản thân, anh Trường cho biết đang dự định đầu tư xây dựng thêm nhà xưởng và thuê thêm nhân công để mở rộng hơn nữa cơ sở sản xuất. Sắp tới, anh sẽ phát triển thị trường vào TP HCM và có thể xuất khẩu sang Lào, Thái Lan.

Anh Đoàn Hữu Hòa, Bí thư Đoàn xã Cát Quế cho biết: “Tôi đánh giá cao mô hình làm kinh tế sản xuất tăm giang của đoàn viên Nguyễn Bách Trường. Cơ sở sản xuất của anh Trường đã tạo việc làm ổn định cho nhiều đoàn viên trong xã, góp phần cho việc phát triển kinh tế địa phương.

Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Trường còn tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn của xã. Anh là tấm gương để nhiều thanh niên trong xã học tập”.

Với những đóng góp trong phát triển kinh tế địa phương, tháng 5/2014, Trung ương Đoàn đã trao tặng anh bằng khen thanh niên làm kinh tế giỏi.

MỚI - NÓNG