Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam: “Cung ngoại tệ dồi dào, tỷ giá khó tăng mạnh“
Theo đánh giá của Vietcombank, cách thức điều hành tỷ giá của NHNN thời gian qua là khá linh hoạt, phù hợp với cung-cầu ngoại tệ trong nước và diễn biến trên thị trường quốc tế.
Nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào nhờ cán cân thương mại 10 tháng đầu năm thặng dư 3,2 tỷ USD, FDI thực hiện 10 tháng đạt 12,7 tỷ USD (tăng 7,6% so với cùng kỳ 2015). Bên cạnh đó, tỷ giá cũng được hỗ trợ bởi một lượng cung ngoại tệ đáng kể từ trong nước, đó là nguồn ngoại tệ do tổ chức, cá nhân tích trữ thời gian trước đây được giải phóng, bán cho TCTD trong bối cảnh tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, lòng tin vào giá trị VND được tăng cường.
Về cầu ngoại tệ, thị trường tiếp tục phát sinh các nhu cầu ngoại tệ thông thường phục vụ hoạt động của nền kinh tế, tuy nhiên cầu do yếu tố tâm lý không còn như trước đây, thể hiện qua diễn biến tâm lý thị trường khá ổn định trước biến động trên thị trường quốc tế trong những tháng đầu năm, ngay cả sau sự kiện Brexit, tỷ giá có tăng nhưng không nhiều và sau 2 ngày đã ổn định trở lại.
Từ nay đến cuối năm, theo tôi, tỷ giá cũng khó tăng mạnh vì nhập khẩu năm nay tăng trưởng thấp nên cuối năm cũng không gây nhiều áp lực cho tỷ giá; không thể phát sinh kỳ vọng NHNN điều chỉnh tỷ giá 1-2% như những năm trước đây. Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ vẫn khá dồi dào.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank): "Hoạt động mua bán ngoại tệ của khách hàng diễn ra bình thường”
Tỷ giá những ngày qua tăng chủ yếu do thị trường lo ngại khi đồng USD thế giới tăng nhanh, tuy nhiên tác động tâm lý cũng không quá lớn nên tỷ giá chỉ tăng từ từ. Hoạt động mua bán ngoại tệ của khách hàng diễn ra bình thường, thông suốt, thanh khoản tốt.
Trong những tháng cuối năm, nguồn cung ngoại tệ tiếp tục thuận lợi nhờ dòng vốn FDI vào Việt Nam, hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài vào các doanh nghiệp Nhà nước lớn tiếp tục được giải ngân... Về phía cầu, theo yếu tố mùa vụ cầu ngoại tệ thường tăng vào giai đoạn cuối năm, tuy nhiên năm nay khả năng cầu ngoại tệ không tăng mạnh như mấy năm trước do xu hướng xuất siêu trong năm nay. Quan trọng hơn là với các giải pháp điều hành linh hoạt của NHNN, tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ tiếp tục giảm, qua đó hỗ trợ nguồn cung cho thị trường và do vậy tỷ giá về cơ bản sẽ không có biến động lớn trong giai đoạn cuối năm.
Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh: Giá USD tăng tác động đến Việt Nam không nhiều
Thời gian qua, đồng USD tăng giá liên tục, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực giảm giá mạnh trước khả năng Fed tăng lãi suất cuối năm nay. Tuy nhiên, tác động của việc này đến thị trường ngoại tệ của Việt Nam theo tôi là không lớn do độ mở của thị trường tài chính nước ta thấp hơn nhiều nước trong khu vực, quy mô luồng vốn nóng vào Việt Nam rất nhỏ so với tổng quy mô các luồng vốn nên tác động thực tế không nhiều.
Bên cạnh đó, mặc dù gần đây nhiều đồng tiền của các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam giảm giá mạnh nhưng tính từ đầu năm thì trừ đồng Nhân dân tệ, hầu hết đồng tiền khác đều tăng giá. Do đó, nếu tính về tổng thể trong tương quan giá trị với các đồng tiền của các nước đối tác thương mại lớn nói chung thì tỷ giá USDVND như hiện nay là phù hợp và không gây bất lợi cho cạnh tranh thương mại.