Điều dễ thấy nhất chính là vấn đề nhân sự. Trong đội hình tuyển Việt Nam ở trận đấu tối qua, người ta thấy xuất hiện nhiều gương mặt mới như thủ môn Nguyên Mạnh và các cầu thủ Đinh Tiến Thành, Nguyễn Văn Biển, Công Minh, Hoàng Thịnh, Nguyễn Hải Anh, Vũ Minh Tuấn.
Tuy nhiên, ông thầy người Nhật không (hoặc chưa) tiến hành một cuộc “thay máu” lực lượng ồ ạt. Thay vào đó, có vẻ như Toshiya Miura đang kiếm tìm một sự kết hợp giữa sức trẻ và kinh nghiệm, giữa lính mới và cựu binh.
Bằng chứng rõ nhất là việc ông ghép đôi cựu binh Công Vinh với chàng lính mới Hải Anh trên hàng công của tuyển. Bước đầu sự kết hợp đó đã cho thấy tính hiệu quả khi Hải Anh lập một cú đúp, còn Công Vinh có được hat-trick trong trận thắng Myanmar hôm qua.
Tất nhiên, cũng cần phải nói lại rằng Myanmar ở trận giao hữu hôm qua khá non và yếu với 9 cầu thủ trẻ trong đội hình. Thế nên, sẽ là quá sớm để nói rằng Toshiya Miura đã tìm ra công thức tối ưu cho nhân sự của đội.
Cũng từ trận đấu hôm qua, người ta thấy ông thầy người Nhật áp dụng đội hình 4-4-2 cho tuyển Việt Nam, chứ không sử dụng sơ đồ 1 tiền đạo như “tiền triều”. Nhưng cũng không phải vì sơ đồ chiến thuật mới với việc tăng cường nhân sự cho hàng công, đã giúp tuyển Việt Nam có được chiến thắng tưng bừng 6-0 trước Myanmar.
Điểm đáng quan tâm ở đây chính là cách thức tổ chức lối chơi của đội. Tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Toshiya Miura dường như hướng tới một lối chơi phối hợp nhóm ở cự ly ngắn và trung binh, di chuyển linh hoạt. Đây là lối chơi mà người Nhật đã và đang áp dụng, cũng như được cho là phù hợp với tầm vóc của người châu Á, phát huy được sự nhanh nhẹn và khéo léo của các cầu thủ Việt.
“Đầu xuôi thì đuôi lọt”, chiến thắng hoành tráng trong ngày ra mắt là một bước đà tâm lý cho thầy trò HLV Toshiya Miura trong cái nhìn hướng đến AFF Suzuki Cup 2014.
Nhưng dù sao tất cả mới chỉ là những nét phác thảo. Còn quá nhiều việc đợi ông thầy người Nhật phía trước.