Tuyên truyền người tốt việc tốt không dễ

Tuyên truyền người tốt việc tốt không dễ
TPO - Tuyên truyền gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến là cách lan tỏa "những bông hoa đẹp trong vườn hoa dân tộc", nhưng không phải là việc dễ nếu xét theo khía cạnh tạo nên được một sản phẩm báo chí thu hút được bạn đọc. Nhà báo phải dày công tìm tòi, có người phải “nuôi” nhân vật của mình đến 6 năm.

Đó là chia sẻ của nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập Báo Tiền Phong trong phần tham luận tại Hội nghị điển hình tiên tiến cơ quan T.Ư Đoàn giai đoạn 2015-2020, do Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức chiều 26/8.

 Trăn trở, sáng tạo tuyên truyền gương người tốt, việc tốt

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong đã trao đổi về “Phát huy sáng tạo của đội ngũ phóng viên trong tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, tuyên truyền công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi”.

Nhà báo Lê Xuân Sơn cho rằng, việc tuyên truyền gương người tốt việc tốt có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, định hướng nhận thức và hành động của thanh thiếu nhi và bạn đọc, khiến họ noi gương, học tập và làm theo; là cách giới thiệu, lan tỏa "những bông hoa đẹp trong vườn hoa dân tộc".

Qua việc tuyên truyền người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhiều gương sáng, hành động đẹp được phát hiện, kịp thời biểu dương khen thưởng, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua làm việc tốt, nâng cao hiệu quả của công tác Đoàn và thanh thiếu nhi.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên báo không phải là việc dễ, nếu xét theo khía cạnh tạo nên được một sản phẩm báo chí thu hút được bạn đọc.

Để phát hiện và đưa thành công cái tốt, cái đẹp đó đến với bạn đọc, đòi hỏi người làm báo phải dày công tìm tòi, đầu tư vào khâu sản xuất tác phẩm để tác phẩm thu hút được bạn đọc và truyền cảm hứng cho họ.

Minh họa cho điều này, nhà báo Lê Xuân Sơn dẫn ra trường hợp một nữ nhà báo đoạt giải cuộc thi viết "Sự hi sinh thầm lặng" do Bộ Y tế tổ chức mới đây, đã nói trên sân khấu rằng chị phải “nuôi” nhân vạt của mình đến 6 năm. Tức là phải mất 6 năm theo dõi để những nỗ lực của người tốt đó cho ra những kết quả đặc biệt.
Tuyên truyền người tốt việc tốt không dễ ảnh 1 Nhà báo Lê Xuân Sơn chia sẻ tại Hội nghị
Nhà báo Lê Xuân Sơn cũng cho biết, Báo Tiền Phong luôn khuyến khích các phóng viên, đặc biệt là phóng viên chuyên về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến.

Ban Biên tập luôn nỗ lực điều chỉnh các mảng sáng tối trên báo, quán triệt mặt sáng, mặt tích cực, cái tốt, cái đẹp luôn là mặt chủ đạo của cuộc sống. Trang Giới trẻ của Tiền Phong đăng các gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến dày đặc nhất.

“Ban Biên tập một mặt khuyến khích các sản phẩm báo chí tốt, mặt khác cũng thường xuyên phê bình các sản phẩn báo chí làng nhàng, thiếu bản sắc, nhiệt huyết, nhất là không có khả năng truyền cảm hứng. Phê bình các sản phẩm yếu để người viết gắng gỏi hơn cũng là một biện pháp để đẩy mạnh tuyên truyền người tốt, việc tốt”, nhà báo Lê Xuân Sơn nói.

Bên cạnh đó, các phóng viên, nhất là phóng viên mảng công tác Đoàn và phong trào TTN đã sáng tạo khi chủ động lập đề cương, kế hoạch và thực hiện những vệt bài người tốt việc tốt sâu, đậm, nhiều kéo dài nhiều tháng, gồm nhiều chục bài với một chủ đề xuyên suốt, tạo dấu ấn trong bạn đọc...

 Những năm trở lại đây, Báo Tiền Phong có nhiều loạt bài chất lượng về điển hình tiên tiến trong giới trẻ, được độc giả đánh giá cao và nhận những giải thưởng cao của T.Ư Đoàn. Tiêu biểu, loạt bài “Chuyện tử tế” (giải Nhất giải báo chí T.Ư Đoàn năm 2019); Loạt bài "Những người trẻ Việt truyền cảm hứng" (giải Nhì, Giải báo chí T.Ư Đoàn năm 2020); Loạt bài "Chuyện những người gieo yêu thương ươm mầm sống" (giải Nhì Giải báo chí T.Ư Đoàn năm 2018)…

Học Bác tiết kiệm, trách nhiệm

Tham luận tại Hội nghị, chị Nguyễn Thị Hồng Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động và Giao lưu thanh thiếu niên Việt Nam – Công ty TNHH MTV Phát triển du lịch – dịch vụ Thanh niên Việt Nam cho biết:

Hàng năm Trung tâm phát động nhiều phong trào thi đua, trong đó có phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh: Học Bác tính tỉ mỉ, tiết kiệm, trách nhiệm và hiệu quả, gương mẫu, sáng tạo trong công việc.

“Học Bác, các bộ phận văn phòng tiết kiệm, in giấy hai mặt. Cán bộ công nhân viên bắt tay vào làm việc ngay khi tới nhận ca, không la cà chè nước, sắp xếp công việc hợp lý. Cán bộ công nhân viên nêu cao tinh thần trách nhiệm làm tròn nhiệm vụ một cách tự giác theo lương tâm, gắn tình cảm với công việc, yêu ngành, yêu nghề”, chị Liễu nói.

Tuyên truyền người tốt việc tốt không dễ ảnh 2 Chị Nguyễn Thị Hồng Liễu chia sẻ tại Hội nghị

Theo chị Liễu, việc thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đến nhận thức, hành động của mỗi cán bộ công nhân viên. Mỗi cán bộ công nhân viên đều tự rèn luyện phẩm chất, tư cách, làm tròn nhiệm vụ được giao. Sống cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, không ngừng học tập nâng cao trình đô chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chị Liễu cho biết thêm, để chia sẻ gánh nặng cho công ty trong do ảnh hưởng của dịch COVID -19, Ban Giám đốc công ty đã tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên nhận đủ lương và tạm ứng trước. Bản thân người đứng đầu công ty tự nguyện không nhận lương trong tháng 4/2020, Ban giám đốc công ty và nhiều lãnh đạo chủ chốt chỉ nhận 50% lương..

MỚI - NÓNG