Mỗi năm hụt vài lớp
Tại trường Tiểu học Phan Thanh, 5 phòng học bỏ trống một thời gian dài, nhà trường phải bố trí làm nhà kho, phòng tương tác, phòng đọc sách… Thầy Nguyễn Hồng Tân, Hiệu trưởng nhà trường cho hay số phòng dôi dư trên là do trường không tuyển đủ học sinh vào học. Từ sau khi áp dụng siết trái tuyến, số lượng đầu vào bắt đầu sụt giảm, cứ mỗi năm hụt đi vài lớp.
Riêng năm học này có 278 học sinh ra trường trong khi chỉ tuyển được 74 em vào lớp Một. Thầy Tân nhìn nhận rằng nếu tiếp tục áp dụng trái tuyến thì tình trạng thiếu học sinh sẽ kéo dài, không chỉ lãng phí cơ sở vật chất của nhà trường mà đội ngũ giáo viên, nhân viên cũng sẽ bị điều chuyển. Hiện tại trường Tiểu học Phan Thanh đã điều chuyển 12 giáo viên, 10 nhân viên đi nơi khác do không đủ học sinh.
Cũng trong tình trạng này, số lượng học sinh trường THCS Trưng Vương cũng “teo” dần theo từng năm. Năm học 2013-2014, trường có 50 lớp, năm học sau chỉ còn 45 lớp và đến năm học này còn 38 lớp. Ngoài hệ quả dư phòng học, phân tán giáo viên, lãnh đạo nhà trường cho hay việc áp dụng trái tuyến còn làm cho chất lượng học sinh vào trường không cao vì trường không thể chọn học sinh ngoài tuyến vào học.
Cô Nguyễn Thị Thùy Duyên, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ lo ngại nếu theo đà này, sớm muộn gì nhà trường cũng sẽ lún sâu vào việc khan hiếm học sinh. “Năm học 2015 - 2016 trường chỉ tuyển được 4 lớp đầu cấp, trong khi mỗi khối cơ bản đều cần có 5 lớp. Năm tiếp theo, dựa theo số liệu điều tra thì chỉ tuyển được một lớp Một đúng tuyến. Học sinh ít ỏi như vậy làm các hoạt động, phong trào của nhà trường kém năng động, sôi nổi”, cô nói.
Điều tiết học sinh từ trường khác
Theo thầy Nguyễn Hồng Tân, siết tuyển sinh trái tuyến là chủ trương đáng được ủng hộ, tuy nhiên lại gây ra tình trạng thiếu hụt học sinh, thừa phòng, điều chuyển giáo viên… thì cần điều chỉnh lại. Thầy cho hay đã báo cáo tình trạng này lên các cấp, đề nghị nên bổ sung cho tuyển học sinh ngoài tuyến để khỏi lãng phí cơ sở vật chất của trường, đồng thời tạo tâm lý ổn định cho giáo viên khi trường luôn đủ học sinh.
Trao đổi với Tiền Phong, bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho hay, hiện quận vẫn chưa có chủ trương cho tuyển sinh trái tuyến vì phải cân đối việc học 2 buổi/ ngày, đồng thời cân nhắc số lượng phòng học bộ môn, phòng chức năng trong từng trường phải đáp ứng đủ.
“Trước mắt tiến hành điều tiết học sinh ở một số trường như trường Tiểu học Trần Văn Ơn, sẽ chuyển sang trường Phan Thanh 3 – 4 lớp để hai trường này vừa đảm bảo cho học sinh học ngày hai buổi, vừa khỏi dư phòng học”. Bà Hà cũng cho biết thêm trong năm học 2017 – 2018 tới đây, Phòng GD&ĐT đã lập kế hoạch tuyển sinh mới, đang chờ phê duyệt, việc điều tiết học sinh chỉ áp dụng với lớp đầu cấp để tạo sự ổn định cho học sinh và nhà trường.
Năm 2013, HĐND TP. Đà Nẵng thông qua Nghị quyết 53 về việc tuyển siết tuyển sinh trái tuyến. Theo đó, để đảm bảo sĩ số học sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT, đảm bảo học sinh tiểu học của thành phố được học 2 buổi/ngày tại trường, đồng thời căn cứ điều kiện cơ sở vật chất hiện có của các trường học, từ năm học 2014 -2015, các trường Tiểu học Phù Đổng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ, trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu), trường Tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) không được tuyển sinh đầu cấp và tiếp nhận chuyển trường trong năm học đối với học sinh trái tuyến và học sinh có hộ khẩu nhưng không thường trú tại địa bàn tuyển sinh của trường.