Tuyển sinh ĐH năm 2019: Để điểm sàn lẹt đẹt, trường đánh đố thí sinh

Điểm sàn Đại học năm nay có thể nhích hơn so với năm trước. Ảnh: Như ý
Điểm sàn Đại học năm nay có thể nhích hơn so với năm trước. Ảnh: Như ý
TP - Mặc dù dự báo điểm sàn xét tuyển sẽ cao nhưng điểm sàn nhiều trường lại chỉ để mức “lẹt đẹt” 14, 15 điểm. Các chuyên gia giáo dục cho rằng nhiều trường đang lựa chọn sự an toàn cho mình và đẩy phần khó về thí sinh.

Năm nay, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tuyển sinh hơn 1.500 chỉ tiêu cho 29 chương trình đào tạo, trong đó có các chương trình đào tạo mới gồm: Tài nguyên và Môi trường nước, Khoa học Thông tin Địa không gian.  Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển vào trường dao động từ 16 đến 18 tùy từng chương trình đào tạo.  Các chương trình đào tạo Máy tính và Khoa học thông tin, Hóa học, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Hóa dược và Công nghệ sinh học hệ chuẩn có mức điểm sàn cao nhất là 18 điểm.

Mức điểm sàn năm nay của trường ĐH KHTN còn cao hơn điểm chuẩn một số ngành của trường năm 2018 (Điểm chuẩn năm 2018 của 5 ngành thuộc ĐH KHTN chỉ có 15,05 - 15,20 điểm).   Về dự báo điểm chuẩn, Phó hiệu trưởng trường, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh cho biết, điểm trúng tuyển năm 2019 có thể tăng nhẹ so với năm 2018, tùy từng ngành, mức điểm chuẩn có thể tăng từ 0.5 đến 2 điểm.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết, năm nay điểm sàn của trường tương đương năm 2018. Có một ngành cao hơn 0.5 điểm là ngành Kỹ thuật ô tô (18 điểm  năm nay, 17.5 điểm năm 2018).

Trường Đại học PHENIKAA cũng vừa công bố điểm xét tuyển, điểm trúng tuyển dự kiến cho các phương thức tuyển sinh năm 2019. Theo đó, đối với phương thức xét tuyển theo học bạ THPT, trường có 15 trong tổng số 18 chương trình đào tạo ĐH chính quy có mức điểm trúng tuyển dự kiến là 21,0 điểm.

Với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia 2018, trường có 8/18 chương trình đào tạo có mức điểm xét tuyển là 18 điểm, 3/18 chương trình đào tạo có mức điểm xét tuyển là 17 điểm, 3 chương trình đào tạo có mức điểm xét tuyển là 16,5 và 2 chương trình đào tạo có mức điểm xét tuyển là 16. Riêng hai ngành Dược học và Điều dưỡng, mức điểm xét tuyển sẽ được công bố sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành sức khỏe.

 “Đánh đố” thí sinh?

Với dữ liệu điểm thi, cả giới chuyên môn lẫn thí sinh đều thừa hiểu điểm chuẩn năm nay phải tăng, các trường công có tiếng càng tăng mạnh. Tuy nhiên đang xuất hiện nghịch lý điểm sàn. Mặc dù dự báo điểm sàn xét tuyển sẽ cao nhưng điểm sàn nhiều trường lại chỉ để mức “lẹt đẹt” 14, 15 điểm. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đưa ra mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển là 14 và 15 điểm tùy ngành.

Tương tự, Trường ĐH Lao động - Xã hội (cơ sở 2 tại TPHCM) cũng vừa đưa ra mức điểm sàn xét tuyển năm nay là 14 và 14,5 điểm. Nhiều trường công lập “hot” tại TPHCM cũng chỉ chọn mức điểm sàn rất an toàn như các trường ĐH Tài chính Marketing, ĐH Ngân hàng TPHCM là 15,5 điểm. Thậm chí, mức điểm này còn khiêm tốn hơn các trường ngoài công lập như ĐH Công nghệ TPHCM (16-18 điểm), ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM
(16-19 điểm).

Nhận định về vấn đề này, PGS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng các trường đang lựa chọn sự an toàn cho mình và đẩy phần khó về thí sinh.

Rất nhiều trường đưa ra  một mức điểm sàn nộp hồ sơ cho tất cả các ngành của trường, mặc dù họ thừa biết có nhiều ngành điểm chuẩn sẽ cao hơn rất nhiều nhưng vẫn làm thế. “Bao nhiêu thí sinh từ đậu thành rớt vì lý do này, nhất là những thí sinh điểm cao. Bởi sau khi trượt ở đợt xét tuyển đầu tiên, các đợt sau hiếm trường tốt, trường có tiếng còn tuyển” - PGS. Đỗ Văn Dũng nêu quan điểm. Chính vì vậy, theo ông, vì sự an toàn của các trường mà sẽ có nhiều thí sinh rớt oan.

Thực tế, sự chênh lệch về điểm giữa các ngành trong mỗi một trường ĐH khá lớn. Chưa kể “sàn” thấp mà chuẩn cao chót vót thì chuyên gia tuyển sinh ở bên ngoài trường cũng không dự đoán được, đừng nói thí sinh. Các thí sinh thường chỉ gia giảm 2-3 điểm là cùng, chẳng thí sinh nào đi nộp hồ sơ trừ hao 5-7 điểm. Nếu các trường đưa ra mức điểm sàn gần sát với điểm chuẩn nghĩa là lọc ngay từ điểm nhận hồ sơ thì các thí sinh không đủ khả năng sẽ đổi nguyện vọng sang xét tuyển nơi khác.

Theo ông Dũng phần mềm tuyển sinh đã cho các trường biết những thí sinh nào đăng ký xét vào trường mình, phổ điểm thí sinh bao nhiêu đều thể hiện đủ… Những dữ liệu này đủ làm dữ kiện để trường đưa ra mức điểm tương đối sát. Mỗi trường vẫn có thể trừ hao 1-3 điểm, không nên trừ hao quá nhiều sẽ đánh mất cơ hội của thí sinh. 

Mặc dù dự báo điểm sàn xét tuyển sẽ cao nhưng điểm sàn nhiều trường lại chỉ để mức “lẹt đẹt” 14, 15 điểm.

MỚI - NÓNG