Từ năm 2017, Học viện Tài chính đã tuyển thẳng những học sinh có học lực giỏi đến từ tất cả các trường THPT trên toàn quốc. Năm nay, trường vẫn sử dụng ba hình thức xét tuyển: tuyển thẳng các đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT, tuyển thẳng học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập bậc THPT và xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia.
Năm nay trường có 4.200 chỉ tiêu, trong đó trường dành không quá 50% chỉ tiêu để tuyển thẳng. Tính đến hết ngày nhận hồ sơ xét tuyển thẳng, trường đã nhận được gần 6.000 hồ sơ. Những năm trước, số lượng thí sinh đăng ký tuyển thẳng cũng rất lớn và thường trường xét tuyển đủ chỉ tiêu đề ra.
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM vừa công bố kết quả xét tuyển thẳng với hơn 2.000 thí sinh trúng tuyển. Theo đó, ở diện tuyển thẳng có 36 thí sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; 22 học sinh phổ thông dân tộc thiểu số với kết quả ba năm THPT đạt loại giỏi trở lên. Những em này sẽ học bổ sung kiến thức một năm trước khi vào học chính thức. Còn lại là học sinh giỏi ba năm liền THPT.
Trường ĐH Tài Nguyên Môi trường năm nay tuyển 2.430 chỉ tiêu ở trụ sở chính tại Hà Nội và 240 chỉ tiêu học tại phân hiệu Thanh Hóa. Trong đó, chỉ tiêu xét theo kết quả học tập lớp 12 THPT ở hai trụ sở lần lượt là 1.225 và 120 (50% tổng chỉ tiêu của trường). Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình các môn học cả năm lớp 12 theo thang 30 đối với từng môn của từng tổ hợp xét tuyển, được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Thông báo của trường cho thấy có 55 thí sinh trúng tuyển đã tốt nghiệp trước năm 2019. Có 439 thí sinh trúng tuyển bằng học bạ đối với thí sinh năm 2019. Như vậy, trong giai đoạn 1 của đợt 1 tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2019, gần 500 thí sinh trúng tuyển vào Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Điểm trúng tuyển là 18/30 điểm/tổ hợp xét tuyển.
Trường ĐH Mỏ địa chất dành 540 chỉ tiêu cho thí sinh xét tuyển học bạ. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình các môn học theo khối thi của ba học kỳ THPT: kỳ I, II của lớp 11 và kỳ I lớp 12.
Trường ĐH Văn hóa Hà Nội năm nay cũng tuyển 1.500 chỉ tiêu bằng ba phương thức là xét tuyển thẳng, xét học bạ và dựa trên kết quả thi THPT quốc gia. Với phương thức xét tuyển học bạ, trường sử dụng kết qua ba môn lớp 12 theo tổ hợp xét tuyển, áp dụng với 8 ngành/chuyên ngành. Số thí sinh xét tuyển bằng học bạ chiếm 20% chỉ tiêu của từng ngành/chuyên ngành.
Vẫn đảm bảo chất lượng?
Ông Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Đào tạo, Học viện Tài chính cho biết qua hai năm tuyển thẳng học sinh giỏi THPT, đánh giá sơ bộ cho thấy kết quả học tập của sinh viên tốt. Ban đầu, khi thực hiện phương thức tuyển sinh này, vẫn còn tư tưởng e dè. Nhiều người cho rằng phải tuyển sinh bằng điểm thi THPT thì sẽ tốt. Nhưng bây giờ, khi đã có đủ điều kiện để được vào trường cùng với chứng chỉ tiếng Anh thì áp lực thi THPT cũng giảm đối với thí sinh.
Ông Tùng khẳng định trong số những sinh viên trúng tuyển vào Học viện bằng tuyển thẳng kết quả học bạ THPT thời gian qua không có sinh viên nào trúng tuyển rồi mà trượt tốt nghiệp THPT. Ông Tùng cho rằng việc tuyển sinh bằng kết quả học tập THPT và kết quả thi THPT quốc gia là hai tiêu chí khác nhau.
Một phương thức đánh giá cả quá trình, đây là điều kiện tốt để đào tạo theo tín chỉ ở ĐH, một phương thức là đánh giá tại một thời điểm. Do đó, phương thức nào cũng có ưu điểm và hạn chế.
Trường lấy tỷ lệ 50%-50%
Khối trường công an, vốn nhiều năm nay có mức điểm chuẩn cao nhất nước. Năm 2019, khối trường này lần đầu tiên đưa điểm học bạ vào không chỉ với tư cách là một tiêu chí có tính chất điều kiện để xét tuyển mà còn là một tiêu chí cấu thành điểm xét tuyển.
Chẳng hạn, với Học viện Cảnh sát nhân dân, hồ sơ của thí sinh chỉ đủ điều kiện được xét tuyển khi học lực các năm THPT phải đạt từ trung bình trở lên, các môn học thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển vào học viện phải đạt từ 7 điểm trở lên trong từng năm học THPT. Riêng thí sinh dự tuyển tổ hợp B00, ngoài điều kiện trên, thì học lực năm lớp 12 phải đạt loại giỏi. Đến khi xét tuyển, Học viện Cảnh sát nhân dân tiếp tục sử dụng điểm tổng kết 3 môn trong tổ hợp thí sinh dùng để xét tuyển của 3 năm lớp 10, 11, 12 với tỷ lệ 25% + điểm thi THPT quốc gia (75%).
Trường ĐH Ngoại thương cũng là trường có điểm chuẩn cao nhất nước, năm nay cũng dành một tỷ lệ chỉ tiêu không nhỏ cho phương thức xét tuyển bằng học bạ. Cụ thể, trường sẽ xét 600 chỉ tiêu cho các chương trình hệ chính quy giảng dạy bằng tiếng Anh.
Đối tượng tuyển sinh là học sinh các môn chuyên toán, lý, hóa, tiếng Anh, văn của các trường chuyên. Một trong các điều kiện nộp hồ sơ là có điểm trung bình chung học tập của 3 năm lớp 10, 11, 12 từ 8 trở lên, trong đó có điểm trung bình chung học tập 3 năm lớp 10, 11, 12 của 2 môn trong tổ hợp xét tuyển của trường (trong đó có môn toán và một môn khác không phải là ngoại ngữ) đạt từ 8,5 điểm trở lên.
Khi xét tuyển, trường sẽ đánh giá trên hồ sơ mà một trong các tiêu chí để đánh giá là điểm điểm trung bình chung học tập 3 năm lớp 10, 11, 12 của 2 môn (hoặc toán và văn; hoặc toán và một môn khác không phải ngoại ngữ) kèm theo điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ.
Việc nở rộ nhiều hình thức tuyển sinh cho thấy các trường ĐH đang thực hiện quyền tự chủ của mình. Nhưng bên cạnh đó, dư luận không khỏi băn khoăn khi đầu vào bắt đầu được “tháo” thì đầu ra, sẽ có giải pháp gì để “siết”?