Tuyển sinh ĐH 2021: Cách tăng cơ hội trúng tuyển

0:00 / 0:00
0:00
Thí sinh cần bình tĩnh trước nhiều phương thức tuyển sinh ĐH Ảnh: Diệp An
Thí sinh cần bình tĩnh trước nhiều phương thức tuyển sinh ĐH Ảnh: Diệp An
TP - Các trường đại học (ĐH) bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ ngày 1/3, trong khi mỗi trường có từ 3-5 phương thức tuyển sinh. Thí sinh cần lưu ý gì để vừa tăng cơ hội trúng tuyển vừa chọn được đúng ngành, đúng trường yêu thích?

Nguyễn Thị Minh, học sinh lớp 12 trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội), nói muốn học ngành xã hội học, nhưng hầu hết các trường ĐH khu vực phía Bắc chưa đưa ra phương án dự kiến tuyển sinh 2021, nên em chỉ có thể tham khảo phương án năm 2020. Trong số các trường em liệt kê, một số trường xét kết quả học bạ. Minh không biết chất lượng đào tạo của các trường thế nào vì các anh chị khóa trên mà em biết không ai học ngành này.

Xét tuyển đa phương thức

TS Nguyễn Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, cho hay, ngày 5/3, trường đưa lên website thông tin dự kiến tuyển sinh 2021 với 3 phương thức xét tuyển cơ bản như những năm trước: tuyển thẳng, xét kết quả học bạ và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT cho 3.000 chỉ tiêu. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố quy chế tuyển sinh, trường sẽ đưa ra các mốc thời gian cụ thể nhận hồ sơ xét tuyển.

Ông Lâm nói rằng, khi làm hồ sơ xét tuyển học bạ, thí sinh cần đọc kỹ quy định của từng trường, barem điểm được đưa ra, lưu ý các mốc thời gian nhận hồ sơ xét tuyển từng trường không giống nhau. Cùng xét học bạ nhưng năm nay các trường có xu hướng mở rộng ra nhiều cách dựa vào các cách tính điểm khác nhau. Vì vậy, thí sinh cần lưu ý chọn cách tính điểm có lợi nhất cho mình. Với thí sinh lựa chọn phương thức này, nếu đủ điểm trúng tuyển vào trường thì chỉ mới đạt điều kiện cần. Chỉ khi nào thí sinh có giấy báo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (hoặc bằng tốt nghiệp THPT những năm trước tùy quy định của từng trường) thì mới đủ điều kiện trúng tuyển. Thí sinh chưa có học bạ hoặc chưa đủ điểm xét trong đợt này có thể tham gia các đợt tiếp theo.

 “Những năm gần đây, các trường ĐH có xu hướng xét tuyển đa phương thức. Do vậy, người học nên tận dụng nhiều cơ hội khác nhau để tăng khả năng trúng tuyển vào ngành, trường mình yêu thích nhất”, ông nhấn mạnh.

Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT vẫn đang trong quá trình xây dựng và dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH chính quy năm 2021. Dù vậy, nhiều trường ĐH đã bắt đầu thông báo nhận hồ sơ xét tuyển học bạ với các mốc thời gian khác nhau.

Học viện Chính sách phát triển xét tuyển dựa trên kết quả học tập với thí sinh có điểm trung bình cộng của điểm trung bình chung học tập 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) từ 7,0 trở lên (riêng ngành Quản lý Nhà nước từ 6,5 trở lên) bắt đầu từ ngày 1/3. Trường ĐH Điện lực nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ ngày 25/1. Trường xét kết quả học tập 3 môn thuộc các tổ hợp xét tuyển (theo ngành) của năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trường ĐH Phenikaa cũng nhận hồ sơ xét tuyển kết quả học bạ của 5 kỳ bắt đầu từ đầu tháng 3. Trong khi đó, hầu hết các trường ĐH khu vực phía Nam đã công bố nhận hồ sơ xét tuyển kết quả học tập THPT từ ngày 1/3.

Chú ý điều kiện đi kèm

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo - trường ĐH Ngoại thương, cho biết, năm nay trường vẫn xét tuyển bằng 5 phương thức, trong đó có 4 phương thức xét tuyển riêng (dựa trên kết quả học bạ và các điều kiện đi kèm). Bà Hiền cho hay, thí sinh sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển kết hợp vẫn còn thời gian để cải thiện điểm số nên cố gắng để thi chứng chỉ đợt tới tốt hơn.

Bà đặc biệt lưu ý, thí sinh đã trúng tuyển và xác nhận nhập học sẽ không còn cơ hội tham gia xét tuyển bằng phương thức khác, vì theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường phải đưa danh sách thí sinh này để Bộ tiến hành lọc ảo. Do đó, thí sinh đặc biệt lưu ý quy định này khi tham gia nhiều phương thức xét tuyển. Ngoài ra, thí sinh cần chú ý tới tiêu chí quy định mức điểm học bạ khi tham gia các phương thức xét tuyển riêng của trường mình chọn khi làm hồ sơ. Ví dụ, tại trường ĐH Ngoại thương, điểm trung bình học bạ của thí sinh phải đạt 7,0 trở lên.

PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo - trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay, trong 3 phương thức xét tuyển của trường, phương thức xét tuyển tài năng dự kiến tuyển 10-20% chỉ tiêu. Ở phương thức này, thí sinh có thể chọn 1 trong 3 hình thức để tham gia xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ. Đó là xét tuyển thẳng căn cứ kết quả thi chứng chỉ khảo thí ACT, SAT, A-Level và IELTS đối với thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8,0 trở lên; xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn dành cho thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8,0 trở lên.

Thí sinh tham gia phương thức xét tuyển này phải có 1 thư tự giới thiệu về bản thân, 2 thư của hai giáo viên giới thiệu về thí sinh. Nhà trường sẽ xét tuyển dựa vào 3 yếu tố: điểm học lực ở học bạ, thành tích đạt được (các giải thưởng), phỏng vấn, sau đó lấy kết quả theo độ dốc.

Theo ông Kiên, với phương thức này, khi làm hồ sơ, thí sinh cần lưu ý trong thư giới thiệu bản thân, thí sinh nên trung thực. Hơn nữa, ở phương thức này, năm nay, mỗi thí sinh chỉ được chọn 1 nguyện vọng, thay vì 3 nguyện vọng như năm 2020, nên cần phải lượng sức để có được sự lựa chọn phù hợp.

Cùng xét học bạ nhưng năm nay các trường có xu hướng mở rộng ra nhiều cách dựa vào các cách tính điểm khác nhau. Vì vậy, thí sinh cần lưu ý chọn cách tính điểm có lợi nhất cho mình.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.