Tính đến đầu năm 2022, theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025 toàn tỉnh Tuyên Quang có 50.033 hộ nghèo, chiếm 23,45% và 16.749 hộ cận nghèo, chiếm 7,85%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 37,32% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh và chiếm tỷ lệ 81,35% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Các huyện Lâm Bình, Na Hang là những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh.
Tại các thôn, xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo cao bởi những khu vực này có trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác của bà con còn lạc hậu.
Tuyên Quang xác định để giảm nghèo hiệu quả thì người dân cần có nguồn sinh kế ổn định. Ảnh: Đào Thanh. |
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều chính sách giúp người nghèo, cận nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn và chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường phổ biến, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; thực hiện tốt công tác tiếp cận, theo dõi, hướng dẫn và trợ giúp kịp thời để người nghèo phát triển sinh kế…
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh đã có trên 67.700 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm nhà ở, ổn định cuộc sống với doanh số cho vay trên 2.600 tỷ đồng; gần 5.700 hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở với kinh phí trên 156 tỷ đồng. Tỉnh cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho trên 148.000 lượt hộ nghèo và cận nghèo, trên 40.600 lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề; trên 119.600 lao động được giải quyết việc làm…
Xã Hòa An, huyện Chiêm Hóa có trên 1.260 hộ, 5.800 khẩu, sinh sống ở 11 thôn, bản. Thu nhập của nhân dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025 còn cao. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hàng năm UBND xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giúp đỡ hộ nghèo; xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế…
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2 - 2,5%/năm. Ảnh: Đào Thanh. |
Với mục tiêu giảm 122 hộ nghèo năm 2022, xã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả; đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế. Đến nay, xã Hòa An có 1 HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ liên kết 3 vùng sản xuất nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện các mô hình trồng dưa chuột, trồng ớt; có trên 1.200 con trâu, bò; 4.200 con lợn; 53ha rừng…
Chị Trương Thị Thành ở thôn làng Rèn 1, xã Hòa An, huyện Chiêm Hóa cho biết, nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có điểm tựa vươn lên, các cấp, các ngành của tỉnh đã triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ về nhiều mặt cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Việc hỗ trợ hộ nghèo được triển khai từ nhiều nguồn lực như ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa, lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới… Riêng gia đình được hỗ trợ vốn vay ưu đãi đã đầu tư nuôi 30 con lợn thương phẩm và dần có cuộc sống ổn định, ấm no.
Gia đình chị Hoàng Thị Thuần, dân tộc Tày, ở thôn Bản Nuầy, xã Năng Khả, huyện Na Hang là hộ tái định cư, rất khó khăn vì không có nghề nghiệp ổn định. Năm 2017, gia đình chị được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng thông qua tổ vay vốn của thôn với số tiền 50 triệu đồng. Chị Thuần cho biết, từ sự hỗ trợ trên đã giúp gia đình chị đầu tư phát triển mô hình nuôi gà đẻ, nuôi lợn thịt, biết áp dụng kiến thức phòng bệnh cho vật nuôi hiệu quả. Mô hình chăn nuôi của chị phát triển tốt, đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm, từ đó vươn lên thoát nghèo.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo trong giai đoạn tới, tỉnh Tuyên Quang đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ như xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo hiệu quả; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo về đào tạo nghề; cung cấp, đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống… Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2 - 2,5%/năm.