Tín dụng 'đỏ' cho phụ nữ dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi cần gấp tiền để chữa bệnh, đóng học phí cho con hoặc phát triển kinh tế gia đình, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số giờ đây không còn phải tìm đến tín dụng “đen” lãi suất cắt cổ. Họ đã biết cách tự huy động tiền tiết kiệm, vay và cho vay hiệu quả.

Hơn 11.000 phụ nữ dân tộc thiểu số ở nông thôn, miền núi thuộc 18 tỉnh thành khắp cả nước đã tham gia mô hình Nhóm tiết kiệm tín dụng thôn bản tự quản (VSLA). Theo đó, thành viên của các nhóm định kỳ gặp mặt, tự thống nhất quy chế hoạt động (số lần họp, mức cổ phần, mức lãi vay…), nộp tiền tiết kiệm ở mức phù hợp bản thân, cho vay với lãi vay được trả vào quỹ chung của nhóm, cuối kỳ mọi người được chia lãi. Ngoài ra, quỹ tương hỗ do thành viên đóng góp, dùng để hỗ trợ nhau khi cần.

Tín dụng 'đỏ' cho phụ nữ dân tộc thiểu số ảnh 1

Chị K’Luyen (giữa) và chị Hồ Thị Nhớ (bìa trái) ngày 17/10 chia sẻ với phóng viên về mô hình tín dụng “đỏ”. Ảnh: Nguyệt Hà

Chị K’Luyen, người dân tộc K’Ho ở thôn Đạ Dâng, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, cho biết số vốn mỗi thành viên trong nhóm được vay tuy nhỏ (trung bình 4,5-5,5 triệu đồng/chu kỳ 12 tháng), nhưng rất thiết thực. “Số tiền nhỏ nhưng kịp thời đáp ứng nhu cầu của chị em, khỏi phải vay tín dụng "đen" lãi suất cao ở bên ngoài”, chị K’Luyen nói. Chị em thường vay vốn để đóng tiền đầu năm học cho con, mua thuốc khi ốm đau, mua xăng dầu, phân bón… phục vụ trồng cà phê, tiêu, dâu tằm quy mô nhỏ. Để tăng hiệu quả quản lý thông tin, vận hành nhóm cũng như bảo đảm công khai, minh bạch, các thành viên đều cài ứng dụng chung trên điện thoại của mình.

Chị Hồ Thị Nhớ, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, cho biết, chị em sử dụng vốn vay đúng mục đích, như mua sách vở, quần áo cho con đi học, nộp học phí, mua bò, trâu, dê để nuôi hoặc trồng tràm. “Vùng em núi cao, mọi người chủ yếu làm nông, trồng tràm, trồng sắn và một ít lúa nước. Chị em chủ yếu vay trồng tràm để phát triển sinh kế trong 5-6 năm tới”, chị Nhớ chia sẻ.

Mô hình VSLA mà chị K’Luyen, chị Nhớ và hơn 11.000 phụ nữ khác tham gia đang được nhân rộng nhờ Dự án “Bứt phá: Thúc đẩy tài chính toàn diện cho phụ nữ dân tộc thiểu số” do tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp thực hiện từ năm 2018. Trong nửa đầu năm 2022, có thêm 269 nhóm với 4.058 phụ nữ tham gia, huy động được 5,62 tỷ đồng tiết kiệm và cho 1.416 lượt thành viên vay vốn.

Trong những năm tới, dự án sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Đức Thành, quản lý dự án của CARE Quốc tế tại Việt Nam, cho biết.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.