Tùy tiện xây chung cư, băm nát quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hàng loạt chung cư ở TPHCM được điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện, làm lợi cho chủ đầu tư khiến quy hoạch bị băm nát, ảnh hưởng đến quyền lợi cư dân.

Vẫn là không hỏi dân, “đẻ” thêm căn hộ

Ngày 16/3, thông tin với PV Tiền Phong, các cư dân tại chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, sẽ khởi kiện cơ quan chức năng của TPHCM vì đã cho chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch, chẻ nhỏ căn hộ gây ảnh hưởng quyền lợi của cư dân mà không hỏi ý kiến họ theo quy định. Theo đó, quyết định 6510/2013 của UBND TPHCM chấp thuận cho chủ đầu tư thay đổi cơ cấu căn hộ đã làm tăng quy mô dân số, gây quá tải hệ thống chịu lực, tiêu thoát, thang máy, điện, nước…

Theo cư dân, năm 2008 dự án được cấp phép xây với 232 căn hộ. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia xin chia nhỏ căn hộ, tăng thành 289 căn. Lần chia nhỏ thứ hai, chung cư tăng lên thành 338 căn. Hai lần “chẻ nhỏ” căn hộ này đều được UBND TPHCM và Sở Xây dựng TPHCM cho phép.

Sau đó, chủ đầu tư tiếp tục tự ý chia nhỏ diện tích tại tầng một, tầng lửng và tầng hai thành 71 căn hộ. Tổng số căn hộ tại chung cư khi hoàn thành là 409, tăng hơn 177 căn so với dự án được duyệt ban đầu.

Tương tự, tại khu chung cư Oriental Plaza (quận Tân Phú, TPHCM) do Công ty Sơn Thuận làm chủ đầu tư đã tự ý xây dựng sai so với thiết kế được phê duyệt. Có tới 43 căn hộ đã được chủ đầu tư xây sai phép khiến dân ở đây không được cấp sổ đỏ.

Chung cư Oriental Plaza đã có những hạng mục xây dựng bố trí khác so với bản vẽ thiết kế được duyệt. Cụ thể, tại tầng 3 của chung cư, chủ đầu tư đã xây dựng thêm 7 căn hộ. Tại các tầng 6, 8, 10, 12, 14, 16, 18, 20, 20, mỗi tầng xây thêm 4 căn hộ so với bản vẽ được duyệt. Tổng số căn hộ mà Công ty Sơn Thuận xây lố là 43 căn.

Tại tầng trệt, công ty này còn xây thêm nhà rửa xe, cửa hàng cà phê… Chủ đầu tư cũng đã lấy phòng sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ. Khu vực làm bể bơi và kỹ thuật bị sử dụng làm hồ bơi, phòng gym…bất hợp pháp.

Phần diện tích được quy hoạch trồng cây xanh, sân vườn cũng bị chủ đầu tư đem cho thuê, kinh doanh các dịch vụ rửa xe, cà phê, bãi giữ xe, sân chơi có thu phí…

Theo hồ sơ, dự án này được Sở Xây dựng TPHCM duyệt lần đầu vào ngày 21/1/2009, với quy mô 946 căn hộ. Đến tháng 10/2012, Sở Xây dựng ra quyết định cho phép chủ đầu tư tăng số căn hộ từ 946 lên 1.136 căn…

Tại dự án Khu dân cư Lacasa phường Phú Thuận (quận 7) có tổng diện tích 61.280m2 do Công ty Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư, trước thời điểm Hội đồng thẩm định giá đất TPHCM phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất, UBND quận 7 đã điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, qua đó làm giảm giá trị toàn bộ dự án.

Năm 2016, Sở Xây dựng cấp giấy phép cho xây dựng giai đoạn 1 của khối nhà 3A-3B, 4A-4B, 6A-6B và tầng hầm khối thương mại, dịch vụ, văn phòng có lưu trú, nhà trẻ của dự án được phép xây 2 tầng hầm là không đúng với quy hoạch được duyệt. Tại quyết định 152 năm 2015 của UBND quận 7, dự án chỉ có 1 tầng hầm.

Phá vỡ quy hoạch

Theo quyết định số 5760/QĐ về duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận 7 đến năm 2020 có tổng diện tích 3.546,7 ha với dân số dự kiến tối đa 424.000 người. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển chung cư như hiện tại ở quận 7, quy hoạch về dân số có thể bị phá vỡ khi các khu chung cư ở đây đều có quy mô trên 1.000 căn hộ. Điển hình là “rừng” chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ (bắt đầu từ cầu Kênh Tẻ băng qua đại lộ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm). Do ở vị trí đắc địa, hàng loạt đại gia bất động sản trong và ngoài nước đều đang chen chân giành chỗ trên trục đường này, với các dự án hàng nghìn căn hộ như Dragon City của Phú Long, Hưng Phát Silver Star của Hưng Lộc Phát. Hay loạt chung cư của Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Sunshine Group, Lotte.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) hiện có 6 khu phức hợp bao gồm bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại và hơn 17.000 căn hộ chung cư. Các dự án nằm trên trục đường này gồm The Manor, Saigon Pearl, SunWah Pearl và Centennial Bason. Điều này khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh trở thành “rốn ngập” của TPHCM. Năm 2017, TPHCM phải ký hợp đồng trị giá 14 tỷ đồng/năm thuê máy bơm công suất 97.000 m3/giờ để chống ngập cho con đường này.

Theo TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, cách quy hoạch này của đường Nguyễn Hữu Cảnh chính là bài học không thể sửa chữa của TPHCM. Trước kia, khu vực này có hệ thống đất và cây cối tự nhiên hút nước. Sau này, dân cư đào mương, tạo cồn đất trũng để chứa nước. Tuy nhiên, giờ đây tất cả đều bị san lấp bằng bê tông. Nước bị bít lối ra sông, không còn cách nào thoát được thì tràn lên đường.

Trao đổi với PV Tiền Phong, giám đốc một công ty bất động sản ở TPHCM cho biết, TPHCM có diện tích hơn 2.100km2 nhưng quy hoạch và điều chỉnh cấp phép dày đặc các dự án bất động sản ở nội thành. Trên các trục đường bị bủa vây nhà cao tầng, hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp.

Cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất vốn đã ùn tắc giao thông, song nhiều công trình nhà cao tầng vẫn đã và đang triển khai ở đường Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng...

Quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm

Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM vừa có báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch. Theo đó, hiện tại, công tác quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm; việc triển khai thực hiện các dự án đô thị chưa theo lộ trình và chưa đáp ứng yêu cầu. Một số khu vực còn xảy ra tình trạng xây dựng tự phát, xây sai quy hoạch; đầu cơ, lấn chiếm đất đai, một số nơi buông lỏng quản lý, dẫn đến phá vỡ quy hoạch hoặc giảm tính khả thi của đồ án quy hoạch.

MỚI - NÓNG