Tưởng niệm người tử nạn ở pháo đài Đồng Đăng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhân dịp 44 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc (17/21979- 17/2/2023), nhân ngày nghỉ cuối tuần mùa xuân năm mới, nhiều đoàn cựu chiến binh, nhân dân thập phương đã trở lại pháo đài Đồng Đăng (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn), tưởng niệm, cầu siêu và dâng cơm chay, hương hoa cho vong linh người đã tử nạn trong pháo đài năm 1979.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày 17/2 và sáng 18/2, có hàng trăm cựu chiến binh, thân nhân các liệt sỹ đã tề tựu tại pháo đài từ rất sớm. Năm nay, nhân 44 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc, các tăng ni, phật tử ở thị trấn Đồng Đăng, Chùa Thành Lạng Sơn tổ chức tụng kinh, cầu siêu cho khoảng 400 người đã tử nạn ở trong pháo đài, hiện vẫn chưa tìm thấy xác.

Phật tử tổ chức bày cỗ chay, cúng giỗ các vong linh các anh hùng liệt sỹ, người đã khuất. Đoàn cán bộ đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị, các cựu chiến binh đã từng tham chiến ở mặt trận Lạng Sơn cũng về dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh.

Tưởng niệm người tử nạn ở pháo đài Đồng Đăng ảnh 1

Nhiều đoàn cựu chiến binh đến thắp nhang tưởng nhớ người đã khuất ở Pháo đài Đồng Đăng -Ảnh: Duy Chiến

Tưởng niệm người tử nạn ở pháo đài Đồng Đăng ảnh 2
Tưởng niệm người tử nạn ở pháo đài Đồng Đăng ảnh 3

Dâng cơm, cúng giỗ người tử nạn -Ảnh: Duy Chiến

Tưởng niệm người tử nạn ở pháo đài Đồng Đăng ảnh 4

Hàng trăm cựu chiến bị trở lại chiến trường xưa để ôn lại ký ức hào hùng của những người giữ đất biên cương -Ảnh: Duy Chiến

Anh hùng Nông Văn Phjeo, Đại tá, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn kể lại: Sáng 17/2/1979, nhận thấy Pháo đài Đồng Đăng (được xây từ thời Pháp trước năm 1945), chiếm giữ vị trí trọng yếu nên quân Trung Quốc đã dùng hỏa lực mạnh, tập trung quân đánh chiếm.

Nơi đây, có Đại đội 5 Công an vũ trang Lạng Sơn (Bộ đội biên phòng ngày nay), với hơn 100 tay súng được bố trí kháng địch. Ngay buổi sáng 17/2/1979, hàng trăm người dân Đồng Đăng chạy lên đây trú ẩn. Nhờ vị thế hiểm yếu của pháo đài, cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng đánh bật hàng chục đợt tấn công của địch.

Sau 5 ngày quân dân ta anh dũng chiến đấu, địch vẫn không thể vào sâu pháo đài. Sau đó, quân Trung Quốc đặt thuốc nổ giật sập cửa vào hầm ngầm, dùng lựu đạn cay thả xuống hầm qua các lỗ thông hơi, dùng cả súng phun lửa phun vào các ngách hầm. Trong hàng trăm người trong pháo đài, chỉ có sáu người sống sót thoát ra được sau đó, trong đó có anh hùng Nông Văn Phjeo.

Cựu chiến binh Đào Ngọc Sơn lặng người thắp nhang cho người tử nạn ở pháo đài rồi cho biết, ông cùng đồng đội ở Sư đoàn 3 Anh hùng đã từng chiến đấu ở khu vực Đồng Đăng- Tam Lung, Lạng Sơn. Nay nhớ ngày đồng đội hy sinh, các cựu chiến binh ở các tỉnh, thành trong cả nước trở lại thắp những nén tâm nhang.

Tưởng niệm người tử nạn ở pháo đài Đồng Đăng ảnh 5

Pháo đài Đồng Đăng- di tích lịch sử đang được đề nghị xếp hạng di tích lịch sử quốc gia -Ảnh: DC

Tưởng niệm người tử nạn ở pháo đài Đồng Đăng ảnh 6

Thị trấn Đồng Đăng đã hồi sinh, thay da, đổi thịt, trở thành nơi giao thương buôn bán sầm uất -Ảnh: Duy Chiến

Từ những mỏm đá cao trên pháo đài nhìn xuống thấy những mái ngói đỏ tươi của thị trấn Đồng Đăng. Rồi nhà ga quốc tế, nơi đón những chuyến tàu liên vận đến những dãy phố cao tầng, những cửa hàng sáng rực ánh điện. Đã 44 năm qua, vết thương chiến tranh đã lành nhưng ký ức về một thời giữ đất biên cương vẫn là niềm tự hào, đáng nhớ để chúng ta trân quý hơn cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

MỚI - NÓNG