Đồn Biên phòng Pha Long 44 năm sau cuộc chiến

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong cuộc chiến năm 1979, bị tập kích nhưng các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long (Mường Khương, Lào Cai) đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Sau 44 năm, bình yên được giữ vững, những tiếng cười nói của trẻ thơ nơi đơn vị đóng quân như nhắc nhở về giá trị to lớn của hòa bình.

Sáng 16/2, từ thành phố Lào Cai, phóng viên ngược vành đai biên giới di chuyển theo quốc lộ 4D lên thị trấn Mường Khương và tiếp tục lái xe 20 km theo đường tỉnh 153 lên Đồn Biên phòng Pha Long.

Nằm ở thôn Pha Long 1, Đồn Biên phòng Pha Long là nơi làm việc của hơn 50 cán bộ, chiến sĩ. Cách đồn chừng vài chục mét là một ngôi trường tiểu học. Tiếng cười nói rộn ràng của những đứa trẻ vùng cao xua tan tiết trời lạnh giá nơi miền biên viễn và nhắc nhở về giá trị to lớn của hòa bình.

Đồn Biên phòng Pha Long 44 năm sau cuộc chiến ảnh 1

Bia trấn ải ở Đồn Biên phòng Pha Long

Đồn Biên phòng Pha Long được thành lập ngày 19/5/1959. Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu, đơn vị vinh dự được Đảng, Nhà nước hai lần tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều danh hiệu cao quý khác của các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội.

Bước đến cổng đơn vị, hai khuôn viên tâm linh bố trí hai bên là lời khẳng định đanh thép về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và nhắc nhở các thế hệ mai sau mãi ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây.

Khuôn viên bên trái đặt bia trấn ải khắc 5 câu:

"Nguyên thần được giao sứ mệnh giữ núi non

Núi nam bốn cõi đã quy định trong sách trời

Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm (điều đó)

(Có) rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy Tổ quốc

Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây"

Trong khi đó, bên phải là nơi đặt bia tưởng nhớ 41 anh hùng liệt sĩ Đồn Biên phòng Pha Long hy sinh trong các cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương, trong đó có cuộc chiến năm 1979. Sau khi thắp nén nhang thành kính, phóng viên được Đại úy, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pha Long- Phạm Văn Tường dẫn vào phòng truyền thống của Đồn.

Trong căn phòng mang tên Hồ Chí Minh, các tư liệu, hiện vật được sắp xếp, treo gọn gàng. "Bức điện mật" với nội dung chiến đấu đến viên đạn cuối cùng của Thượng úy Trần Xuân Ngọc - Chính trị viên, Bí thư Chi bộ Đồn Biên phòng Pha Long được phóng to, ép khuôn và treo trang trọng.

Về trận chiến đấu đến viên đạn cuối cùng của Đồn Biên phòng Pha Long trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979, Đại úy - Chính trị viên phó Phạm Văn Tường cho biết, các tài liệu lưu giữ thể hiện tinh thần chiến đấu mưu trí, anh dũng của lực lượng Đồn Biên phòng Pha Long.

5 giờ 45 phút sáng 17/2/1979, quân Trung Quốc dùng các loại pháo lớn đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Ở tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ), quân Trung Quốc tập trung bắn phá vào các đồn biên phòng, các mục tiêu phòng thủ của ta từ Pha Long đến A Mú Sung. Sau đó, bộ binh Trung Quốc ồ ạt tấn công. Sau gần một tháng đánh chiếm, ngày 18/3/1979, Trung Quốc rút quân. Cuộc chiến tranh biên giới còn dai dẳng chục năm trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1989.

Cuộc chiến đấu ở Đồn Pha Long diễn ra khá quyết liệt. Trong 4 ngày từ 17 đến 20/2/1979, địch tổ chức tiến công 20 lần với 5 đợt tấn công lớn, số quân đông gấp 4 lần quân ta, nhưng Đồn Pha Long đã phối hợp với Đại đội 3 cơ động chiến đấu mưu trí kiên cường dũng cảm. Đồn đã trụ vững được 4 ngày từ 17 - 20/2, sau đó quân ta mới phá vòng vây rút ra. 26 chiến sĩ của Đồn anh dũng hy sinh.

44 năm sau cuộc chiến, thế hệ cán bộ chiến sĩ hiện tại của Đồn Biên phòng Pha Long vẫn tiếp nối truyền thống anh hùng của các thế hệ đi trước, không ngừng học tập, trau dồi bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu, bám địa bàn, bám dân.

Không bao giờ quên các anh hùng, liệt sĩ

Tại Đồn Biên phòng Pha Long, sáng 17/2, các cán bộ, chiến sĩ của Đồn sẽ thắp hương tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lào Cai cho biết, chủ trương khép lại quá khứ hướng tới tương lai để phát triển đất nước nhưng chúng ta cũng sẽ không quên quá khứ, không quên cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979.

Đồn Biên phòng Pha Long 44 năm sau cuộc chiến ảnh 2

Tổ B40 thuộc C2D3 Mường Khương, Lào Cai bắn cháy 1 xe tăng địch

Bảo tàng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lào Cai hiện lưu giữ nhiều hiện vật về cuộc chiến như lá cờ Tổ quốc từng tung bay trên cột cờ Đồn Biên phòng Pha Long tháng 2/1979, khẩu súng kíp và một số trang bị của quân dân xã Nậm Chẩy, băng đạn đại liên K53 của tổ chiến đấu anh hùng liệt sĩ Quách Văn Rạng…

Tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh Lào Cai, không gian lưu giữ các hiện vật về cuộc chiến năm 1979 được bố trí một góc theo dòng thời gian từ khi thành lập tỉnh cho đến nay. Ở giai đoạn 1979, có nhiều chứng tích lịch sử như bức hình ghi lại cảnh chiến sĩ C1D3 Mường Khương Lào Cai đào phòng tuyến trên chốt chiến đấu, các bức thư tình nguyện nhập ngũ, tổ B40 thuộc C2D3 Mường Khương bắn cháy một xe tăng địch, những chiến sĩ thuộc Đại đội 1 giữ chốt Nhạc Sơn đánh lui 17 lần tấn công của địch…

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.