Tượng Mẫu Âu Cơ được công nhận là bảo vật quốc gia

Trao Quyết định công nhận Tượng Mẫu Âu Cơ là bảo vật quốc gia. Ảnh: Nguyễn Quý.
Trao Quyết định công nhận Tượng Mẫu Âu Cơ là bảo vật quốc gia. Ảnh: Nguyễn Quý.
TPO - Sáng 31/1 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Canh Tý) tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã diễn ra Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Tượng Mẫu Âu Cơ là bảo vật quốc gia và Khai hội đền Mẫu Âu Cơ.

Lễ hội do UBND huyện Hạ Hòa tổ chức hằng năm vào dịp đầu xuân năm mới. Đây cũng được xem là lễ hội mở đầu cho chuỗi các lễ hội hàng năm của tỉnh Phú Thọ.

Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn du khách thập phương và các đại biểu đã nô nức về đền Mẫu Âu Cơ để tham dự ngày hội. Mở đầu lễ hội là lễ tế thành hoàng làng và rước kiệu, rước lễ vật từ đình Đức Ông về đền Mẫu Âu Cơ, nhằm tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, cầu mong Tổ Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người có cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc.

Tượng Mẫu Âu Cơ được công nhận là bảo vật quốc gia ảnh 1 Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ năm Canh Tý 2020. Ảnh: Nguyễn Quý.

Đặc biệt, lễ hội năm nay đã diễn ra lễ công bố và đón nhận Quyết định số 88/QĐ-TTg, ngày 15 tháng 01 năm 2020, của Thủ tướng Chính phủ về công nhận Tượng Mẫu Âu Cơ (Niên đại: Thế kỷ XIX, hiện thờ tại Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) là bảo vật quốc gia.

Tiếp đó, các đại biểu và đông đảo quần chúng nhân dân, du khách thập phương đã lắng nghe chúc văn thành kính tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ; trong đó nhấn mạnh về huyền thoại Âu Cơ kết duyên với Đức Tổ Lạc Long Quân, sinh ra một bọc trứng 100 trứng, nở thành 100 người con, trong đó 50 người con theo cha xuống biển, còn 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi.

Trong hành trình đưa 50 người con lên thượng nguồn sông Hồng mở mang bờ cõi, Tổ Mẫu Âu Cơ đã dừng chân ở Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Tại đây, Mẫu Âu Cơ thấy phong cảnh hữu tình, đất đai trù phú, Âu Cơ đã cho khai khẩn đất hoang, lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải; biến vùng đất hoang sơ thành trù phú.

Nối tiếp phần lễ là nghi thức Tế nữ quan, đây là nét đặc trưng riêng và không thể thiếu của lễ hội đền Mẫu Âu Cơ. Đội tế gồm các cô gái thanh tân trong trang phục áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, thắt lưng dải lụa, chân đi hài thêu, cùng chủ tế nữ mặc bộ lễ phục màu đỏ thực hiện nghi thức tế lễ truyền thống. Ngay sau phần lễ, hàng loạt các hoạt động văn hóa, thể thao đã diễn ra và thu hút được đông đảo du khách thập phương và nhân dân tham gia, hưởng ứng.

Năm 1991, đền Thờ Tổ mẫu Âu Cơ đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Ngày 23/1/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chứng nhận Tín ngưỡng thờ mẫu Âu Cơ - đền Mẫu Âu Cơ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Những năm gần đây, lễ hội được tổ chức quy củ, văn minh, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực lễ hội đền Mẫu Âu Cơ. Đặc biệt, nhiều hạng mục đã được chỉnh trang, xây mới và bố trí hợp lý, góp phần xây dựjng Khu di tích và lễ hội đền Mẫu Âu Cơ ngày càng văn minh, mẫu mực.

MỚI - NÓNG