Tướng Giáp - Một phác thảo chân dung

Tướng Giáp - Một phác thảo chân dung
TPO - “Một người dáng vẻ rất giản dị. Một bộ mặt cởi mở. Còn hơn một anh hùng. Tướng Giáp. Ông thuộc dòng những chiến sĩ mà người ta sẽ kể những chiến công từ thế hệ này qua thế hệ khác”…
Tướng Giáp - Một phác thảo chân dung ảnh 1
 

Xã luận của tờ El moudjahd, xuất bản tại Alger ngày 4 tháng 1 năm 1976, đã viết như trên nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Algiêri.

Lời tòa soạn:

Hữu Mai (1926-2007) là một nhà văn Việt Nam với hơn 60 đầu sách được in. Ông là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và là người viết những hồi ức của đại tướng Võ Nguyên Giáp, với những tác phẩm như Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ (hồi ký, 1964), Từ nhân dân mà ra (hồi ký, 1966), Những năm tháng không thể nào quên (hồi ký, 1970), Chiến đấu trong vòng vây (hồi ký, 1995), Đường tới Điện Biên Phủ (hồi ký, 1999), Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử (hồi ký, 2000). Tác phẩm Không phải huyền thoại của nhà văn Hữu Mai là tiểu thuyết tư liệu đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tiền Phong trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số trích đoạn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn tiểu thuyết tư liệu Không phải huyền thoại của nhà văn Hữu Mai.

Kỳ 1: Một phác thảo chân dung

1.

Một tối mùa đông năm 1970, theo triệu tập của Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi tới làm việc tại nhà riêng.

Sáu năm trước đó, đầu tháng 4 năm 1964, tôi là một nhà văn quân đội được Tổng cục Chính trị cử tới giúp Đại tướng ghi lại một vài kỷ niệm về Điện Biên Phủ để in vào cuốn hồi ức được xuất bản nhân dịp kỷ niệm mười năm chiến thắng lịch sử[1]. Chẳng cần nói tôi đã hồi hộp như thế nào khi lần đầu được trực tiếp gặp đồng chí Tổng tư lệnh, ước mơ của không ít những nhà văn viết về chiến tranh. Tôi chỉ có một tháng để viết khoảng một trăm trang in. Công việc hoàn thành đã mang lại cho tôi may mắn được tiếp tục làm việc với Đại tướng một thời gian dài.

Người chiến sĩ cảnh vệ đưa tôi vào phòng khách. Đồng chí Chánh văn phòng không có mặt. Tôi biết đây không phải là buổi làm việc chính thức. Trong lúc ngồi đợi, tôi băn khoăn không hiểu Đại tướng gọi tới vì việc gì.

Anh Văn từ phòng trong đi ra. Anh vẫn mặc quân phục. Nụ cười tươi làm bộ mặt anh sáng rỡ. Tôi nhìn thấy anh cười lần đầu trong cuộc duyệt binh của tự vệ thành tại nhà đấu xảo Hà Nội năm 1946. Nụ cười này là của Bác tặng cho anh. Anh Văn vốn có vẻ mặt nghiêm nghị, khiến một số người mới gặp phải e ngại. Anh đã kể với tôi, sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, anh làm việc ở Bắc Bộ Phủ, một hôm Bác nhìn anh, rồi hỏi:

- Sao chú Văn lúc nào cũng có vẻ mặt như đang giận ai ?

Từ đó anh hay cười. Nụ cười góp phần cho những buổi làm việc rất có hiệu suất.

Tôi đứng lên chào, rồi hỏi:

- Thưa anh, anh mới ở trong Thành về.

Anh nói :

- Có một vài việc phải giải quyết gấp, ngày mai tôi đi Liên Xô...

Tôi hơi bị bất ngờ. Vì mỗi lần thủ trưởng Bộ ra nước ngoài đều có một thời gian chuẩn bị, gần đây không thấy ai nói chuyện này.

Anh nói tiếp :

- Hôm vừa rồi, Quân y viện 108 phát hiện ở hàm tôi có một cái nhân. Điện hỏi ý kiến Liên Xô, bạn bảo cần sang ngay.

Tôi bàng hoàng. Nếu có chuyện không may đến với anh giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra quyết liệt...! Với cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, Tổng tư lệnh chính là linh hồn của quân đội.

Chị Bích Hà cũng ở phòng trong đi ra. Khác với mọi lần, đôi mắt chị lộ vẻ ưu tư . Tôi hỏi chị :

- Chị cũng đi với anh ?

Chị nhè nhẹ gật đầu.

Người phục vụ đưa ra ba bát chè sen nhỏ. Anh Văn chỉ ăn hết nửa bát. Chị Hà im lặng cầm bát chè của anh ăn tiếp. Anh Văn không nói gì về công việc. Tôi biết cuộc gặp không kéo dài, anh chị còn phải chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai.

Khi tôi sắp ra về, anh Văn chỉ vào miệng:

- Ở vị trí này, thường là rất nhanh. Nếu qua kiểm tra ở Liên Xô, đúng là có chuyện..., tôi sẽ bàn với anh làm gấp một đôi việc.

Tôi biết anh có điều muốn nhắn gửi lại cho mai sau.

Anh chìa tay cho tôi khi chia tay. Tôi lo lắng nắm tay anh:

- Cầu mong là sẽ không có chuyện gì...

Anh mỉm cười, nụ cười lúc nào cũng tươi, như để an ủi tôi.

Nhưng rồi chỉ vài tuần sau, anh đã trở về. Anh cho biết khi máy bay mới tới Tasken, địa đầu Liên Xô, một đoàn bác sĩ của bạn đã tới đón tại phi trường. Đồng chí trưởng đoàn chăm chú ngắm nhìn anh, rồi nhận xét: "Với thần sắc của Đại tướng, tôi cam đoan là không có chuyện đó". Và qua kiểm tra rất kỹ lưỡng, đúng là không có chuyện gì.

Chuyện này qua đi, không ai chú ý. Riêng tôi cứ nhớ mãi. Đây là lần đầu, tôi trực tiếp chứng kiến anh đối mặt với một "tai biến" (cũng may, đó chỉ là sự lầm lẫn). Sao một con người có thể thanh thản đến như vậy ? Và sau này, tôi có dịp chứng kiến thái độ của anh trước những thử thách trong chiến tranh, trong cuộc sống, có trường hợp vượt quá sức chịu đựng của con người, anh đều có một thái độ cực kỳ bình thản. Nhưng, như lời anh nói: "Sau lúc đó, thì tôi mệt". Cái mệt chỉ đến sau với anh.

Đây là một đức tính rất lạ ở anh. Đức tính góp phần giúp anh vượt khó trong cuộc hành trình xuyên thế kỷ.

(Còn nữa)

Xem tiếp Kỳ 2: Tướng Giáp được giao lãnh đạo đội quân giải phóng như thế nào?

Theo Viết
MỚI - NÓNG