Trong thời gian qua, Thành Đoàn Đà Nẵng đã đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng mới để cán bộ Đoàn bắt kịp với xu thế phát triển của thanh niên, hướng tới có khả năng tạo ra trào lưu, mô hình dẫn dắt thanh niên.
Hội thảo do Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Thành Đoàn Đà Nẵng và Trường Chính trị TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, lực lượng Cán bộ Đoàn thuộc 27 đơn vị trực thuộc Thành Đoàn và Đoàn Thanh niên 56 xã, phường. Ảnh: Giang Thanh |
Bên cạnh đó, Đoàn các cấp tiếp tục đẩy mạnh đào tạo cán bộ thông qua thực tiễn hoạt động phong trào; tăng cường đi cơ sở; tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện các quy chế, quy định về rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn; triển khai các giải pháp xây dựng Đoàn thật sự kỷ luật, kỷ cương, chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, bên cạnh những mặt thuận lợi, vẫn có rất nhiều thách thức mới đối với công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ Đoàn thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay.
Một bộ phận cán bộ Đoàn còn hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ, tư duy và tác phong chậm đổi mới, chưa thể hiện rõ vai trò thủ lĩnh của thanh niên. Cán bộ Đoàn nhiều nơi bị thiếu, không được bổ sung thường xuyên. Công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận ở nhiều đơn vị còn bị động. Thủ lĩnh Đoàn tại địa bàn dân cư đang gặp khó khăn...
“Việc luân chuyển cán bộ đoàn quá tuổi theo Quy chế cán bộ đoàn, việc tuyển dụng cán bộ Đoàn gặp nhiều khó khăn, thiếu kịp thời. Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, tạo nguồn cán bộ đoàn chưa đáp ứng yêu cầu”, anh Dũng nói.
Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn ở Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, lan tỏa |
Chia sẻ tại Hội thảo, chị Phạm Trần Trúc Mai, Bí thư Đoàn phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) cho hay, việc tìm cán bộ nguồn kế cận của Đoàn, nhất là Đoàn cơ sở đang gặp nhiều khó khăn.
“Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Chế độ của cán bộ xã phường còn nhiều hạn chế; việc luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ cho cán bộ Đoàn quá tuổi còn gặp nhiều khó khăn.
Thực tế ở nhiều địa phương, có tình trạng cán bộ Đoàn đủ 35 tuổi vẫn chưa có vị trí chuyển công tác buộc phải tiếp tục đảm nhiệm vị trí thêm đến 37 tuổi hoặc thậm chí bị luân chuyển sang vị trí không phù hợp đã chấp nhận nghỉ việc, chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp tư nhân”, chị Mai nêu ví dụ.
Bí thư Đoàn phường Hòa Hiệp Nam đề xuất cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn các cấp, nhất là cán bộ Đoàn xã, phường. Đồng thời, cần có chính sách bảo đảm vật chất, động viên tinh thần cho đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở, nhất là đội ngũ Phó Bí thư Đoàn các phường cần có chế độ, phụ cấp phù hợp.
Nhiều Bí thư Đoàn cơ sở đóng góp giải pháp cho những hạn chế của công tác xây dựng và phát triển Đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp |
Anh Lê Xuân Thành, Bí thư Quận Đoàn Ngũ Hành Sơn cho rằng cần có quy định, cơ chế, cách thức tuyển dụng riêng phù hợp với các cơ quan Đoàn – Hội – Đội; cần mở rộng “hành lang” để tạo điều kiện cho cán bộ Đoàn cơ sở phát huy, đóng góp cho đoàn cấp trên.
“Hằng năm, các cấp bộ Đoàn cần chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ. Qua các phong trào hoạt động của Đoàn, phát hiện, gắn kết chặt chẽ để tạo nguồn cán bộ Đoàn từ đội viên, học sinh, sinh viên”, anh Thành góp ý.