Tuổi trẻ của bạn và Đoàn: Nhớ lần tiếp tế đảo Cồn Cỏ

Nữ nhà báo Bích Hậu trong lần thăm lại đảo Cồn Cỏ năm 2008. ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Nữ nhà báo Bích Hậu trong lần thăm lại đảo Cồn Cỏ năm 2008. ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Hơn 60 năm trước, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Bích Hậu về công tác tại báo Tiền Phong sau khi tham gia xây dựng tuyến đường chiến lược 12B (tỉnh Hòa Bình). Phát huy tinh thần TNXP, nhà báo Bích Hậu đã xung phong vào tuyến lửa Vĩnh Linh công tác và có những kỷ niệm không quên khi tham gia tiếp tế đảo Cồn Cỏ.

Nay đã ở tuổi ngoại tám mươi, nhưng nhà báo Bích Hậu, một phóng viên thuộc thế hệ đầu của báo Tiền Phong vẫn nhớ rõ về thời tuổi trẻ, tuổi Đoàn của mình. Đầu năm 1959, khi đang học năm cuối Trường PTTH Ba Đình (Hà Nội), Bí thư Đoàn trường Nguyễn Bích Hậu được biết Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) kêu gọi thanh niên các tỉnh, thành phố gia nhập TNXP để xây dựng đường chiến lược 12B (dài 50km) nên viết đơn tham gia. Cuối năm 1959, khi tuyến đường hoàn thành, nữ TNXP Bích Hậu nhận quyết định của Trung ương Đoàn về công tác tại báo Tiền Phong.

Về báo Tiền Phong, nữ phóng viên Bích Hậu không ngại khó mỗi khi được cử đi công tác tại những nơi gian khổ. Đầu năm 1974, Bích Hậu làm đơn tình nguyện vào miền Trung công tác. Ban đầu đề nghị này chưa được đồng ý, nhưng trước sự quyết tâm của nữ phóng viên, Ban Biên tập báo Tiền Phong đã cấp giấy giới thiệu để Bích Hậu vào miền Trung công tác. Gửi con nhỏ để em gái trông hộ, Bích Hậu đạp xe lên đường. Vừa đi vừa tránh máy bay địch, Bích Hậu lần lượt vượt qua những địa danh gian khó của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An rồi tới nông trường Cờ Đỏ của tỉnh Quảng Bình. Tại đây, trong khói lửa chiến tranh, nữ phóng viên đã đưa tin sốt dẻo về việc tự vệ nông trường Cờ Đỏ bắn rơi máy bay Mỹ, rồi tiếp tục vào vùng đất lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Thời điểm này, vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền Nam-Bắc thuộc tỉnh Quảng Trị thường xuyên xảy ra chiến sự ác liệt, nên vào Vĩnh Linh không thể đi bằng xe đạp. Bích Hậu gửi xe ở nông trường Cờ Đỏ, rồi ra Quốc lộ 1 với hy vọng đi nhờ ô tô để vào Vĩnh Linh. Đứng nhiều giờ dưới cái nắng như đổ lửa của đất miền Trung, lại thêm đói và mệt, nhưng phóng viên vẫn kiên trì chờ xe. Khi trời sẩm tối mới thấy một chiếc com-măng-ca đi tới, Bích Hậu vội chạy đến, khẩn khoản: “Xin cho tôi đi nhờ đến đồn công an ở cầu Hiền Lương bên bờ Bắc để liên hệ công tác”.

Người sĩ quan chỉ huy nói: “Giờ vào Vĩnh Linh nguy hiểm lắm, không thể cho cô đi nhờ được đâu. Thân gái dặm trường thế này…”.  Bích Hậu cứng cỏi: “Thưa đồng chí, khi đất nước có giặc, thì trai hay gái chúng tôi đều xung phong”. Nghe vậy, người sĩ quan đồng ý cho Bích Hậu đi nhờ xe.

Đến vùng giới tuyến Vĩnh Linh, Bích Hậu được công an bảo vệ bờ bắc cầu Hiền Lương (thuộc vùng kiểm soát của ta) đưa đi thực tế tại địa đạo Vịnh Mốc (thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh). Tại đây, phóng viên được chứng kiến buổi họp của Chi đoàn thôn Vịnh Mốc để chọn ra 5 đoàn viên chèo thuyền tiếp tế lương thực, nước uống cho đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị. Bích Hậu lại gần Chi đoàn, tự giới thiệu về mình, rồi xin được tham gia chuyến đi. Để thuyết phục mọi người, Bích Hậu nói mình cũng là đoàn viên, lại từ miền Bắc vào đây nên xin được tham gia. Sau một hồi bàn luận, Bích Hậu nằm trong số 5 thành viên của Chi đoàn Vịnh Mốc được tham gia chuyến đi.

Tới địa điểm tập kết, Bích Hậu thấy có 4 chiếc thuyền chất đầy lương thực, thực phẩm và nước uống của huyện Vĩnh Linh đã chờ sẵn. Khoảng 5 giờ sáng, Chi đoàn Vịnh Mốc cùng 3 chi đoàn thuộc các địa phương khác của huyện Vĩnh Linh cùng nhau lên thuyền để ra đảo. Trên đường đi, Bích Hậu say sóng và bị nôn. Thấy phóng viên gục xuống, Bí thư Chi đoàn Vịnh Mốc đưa mái chèo, nói: “Chị phải nắm thật chặt và chèo thuyền mới khỏi say sóng”. Làm theo, Bích Hậu dần tỉnh táo.

Sau hơn hai giờ lênh đênh sóng nước, các đoàn viên đã đưa bốn chiếc thuyền cập đảo Cồn Cỏ. Tới bờ, họ đã thấy bộ đội của Trung đoàn 270, đơn vị bảo vệ đảo Cồn Cỏ ra đón. Sau khi lương thực và nước uống được vận chuyển lên bờ an toàn, các đoàn viên phải nhanh chóng trở lại bờ để tránh giờ cao điểm địch đánh phá vào tầm 11 đến 13 giờ. “Sau chuyến đi, tôi đã kịp thời viết bài: Còn Vĩnh Linh, còn Cồn Cỏ, đăng trên trang nhất báo Tiền Phong”, nhà báo Bích Hậu nhớ lại.

Nhà báo Bích Hậu cho biết thêm, năm 2008, bà được mời cùng các cựu chiến binh Trung đoàn 270 anh hùng trở lại chiến trường xưa - đảo Cồn Cỏ. “Thời tuổi trẻ, tuổi Đoàn của mình, chuyến đi đến đảo Cồn Cỏ là một trong những ký ức mà tôi không thể nào quên”, nhà báo Bích Hậu chia sẻ.

Bài dự thi cuộc thi viết “Tuổi trẻ của bạn và Đoàn” có thể gửi về báo Tiền Phong theo địa chỉ email: gioitretienphong@gmail.com đến hết ngày 3/3/2021. Ngoài ra, tác giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương (Hà Nội) và đề ngoài phong bì: Bài dự thi viết về “Tuổi trẻ của bạn và Đoàn”.

MỚI - NÓNG
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
TPO - Khi bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Hà Nội, hàng chục nghìn cây xanh, nhiều công trình tại Hà Nội bị hư hỏng. Hàng hoa giấy được trồng trên cầu Vĩnh Tuy cũng không thoát khỏi bị quăng quật trở nên xác xơ, nhưng sau gần một tháng, hiện những cây này đang bung nở trở lại, rực rỡ sức sống.