Tủi nhục vì chồng keo kiệt

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Lấy chồng giàu có tưởng sung sướng, song không ít chị em đổ máu mắt vì xấu hổ, ngượng ngùng với ông chồng keo kiệt. Tuy nhiên, muốn chữa bệnh Grăng-đê cho chồng phải tìm tận gốc rễ nguyên nhân.

Vắt cổ chày ra nước

Khi biết chị Trương Thu Thủy (Đống Đa) chủ động đệ đơn xin ly hôn, bạn bè, họ hàng hết sức ngỡ ngàng. Anh Đủ - chồng chị vừa đẹp trai, cư xử nhã nhặn vừa sở hữu công ty lớn, kiếm được tiền, nhà đẹp, xe đẹp. Hơn nữa, chưa một lần họ nghe thấy chuyện anh Đủ có mối quan hệ lăng nhăng bên ngoài. Anh cũng không uống rượu, không hút thuốc, càng không thích la cà nhậu nhẹt, chơi bời bên ngoài. Trừ những lúc miễn cưỡng đi tiếp khách, các buổi chiều anh đều về nhà giúp chị đón con, cũng không nề hà làm việc nhà. Một người chồng mẫu mực như vậy vốn đã “tuyệt chủng”, vậy mà chị Thủy lại may mắn “khai quật” được, thế nên mọi người trách chị Thủy hồ đồ. Song tâm sự với vài người bạn thân, chị Thủy chỉ cười buồn: “Mình biết tất cả những điều anh ấy làm hầu hết đều vì gia đình. Nhưng đáng tiếc những cái phúc đấy khiến mình không cười nổi”.

Hồi mới quen nhau, anh Đủ cũng không thường xuyên tặng hoa, tặng quà chị nhưng vẫn khiến chị Thủy cảm động vì những món quà giản dị, bất ngờ. Thậm chí, ngày sinh nhật, anh còn lên chợ Quảng Bá, tự mua hoa về kết lẵng trái tim tặng chị. Nhưng cưới nhau về, chị mới bắt đầu nhìn thấy những thói quen “sắt đá” của chồng. Câu cửa miệng anh nhắc vợ chính là “tiết kiệm”. Nước rửa rau anh nhắc chị đổ vào thùng để tưới cây hoặc rửa xe. Anh không mua máy giặt để tiết kiệm nước, điện, lại không hại quần áo. Chị nhớ, suốt mùa hè tuần trăng mật, chị phải vật lộn với cơn nóng điên cuồng nhưng anh vẫn không mua máy điều hòa. Cho đến khi có con, ngại với mẹ vợ lên chơi, anh đành mua một chiếc. Nhưng đến lúc mẹ vợ về, anh chỉ bật vào lúc sắp đi ngủ và hẹn giờ tắt sau 2 tiếng. Anh ghi chép chi tiêu từng ngày, kiểm tra hóa đơn tiền điện, tiền nước. Tháng nào tiền điện, tiền nước giảm mà chị lại không để “dôi ra” đồng nào, dù chỉ vài chục ngàn đồng anh đều thắc mắc. Ngày Tết, anh cũng ngăn cản chị mua sắm tích trữ thực phẩm với lý do “để lâu mất chất”.

Tủi nhục vì chồng keo kiệt

Suốt 10 năm cưới nhau, anh chị rất ít khi đi chơi với bạn bè vì ngại phải “mua vui đắt đỏ”. Chị nhớ, có lần nhóm bạn thân mời đi ăn, rồi đi hát karaoke. Đến lúc hát, chị cũng chỉ ngồi nói chuyện không hát bài nào. Đến lúc ra về, mọi người thống nhất chia đều tiền hát, chị Thủy góp 500.000 đồng nhưng anh Đủ gạt phắt đi: “Vợ chồng mình không hát nên chỉ góp một nửa thôi”. Cả đám bạn sững sờ, im lặng. Còn chị Thủy xấu hổ đến mức phát khóc. Từ đó, chị không còn dám đi đâu cùng chồng. Cưới nhau suốt 10 năm, chị chưa từng được đi du lịch. “Chỉ duy nhất một lần, cơ quan anh ấy tổ chức đi biển 3 ngày, anh ấy hỏi tôi có muốn đi cùng không. Tôi liền vui vẻ đồng ý. Không ngờ cả tháng sau đó anh ấy vẫn càu nhàu về khoản tiền phải đóng góp thêm suất đi kèm. Cuộc sống của tôi vì tính keo kiệt của anh ấy mà đã mất hết mùi vị, màu sắc, vui thú” - chị Thủy tâm sự.

Chìa tay xin “phát chẩn”

Đang đi làm, thu nhập ổn định nhưng sau khi kết hôn, có thai, chị Minh Thúy (ở đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội) buộc phải nghỉ việc, ở nhà làm nội trợ. Anh Nghiêm – chồng chị lý luận rằng, sinh con ra thì tiền lương không đủ để thuê giúp việc, lại không yên tâm về con. Anh hứa sẽ chu cấp tiền sinh hoạt đầy đủ. Nhưng điều chị Thúy không thể ngờ tới, việc “chu cấp” của chồng chính là phát tiền đi chợ hàng ngày. Mỗi sáng, anh đưa chị 200.000 đồng, bắt ghi chép lại những thứ đã mua và thu lại tiền thừa (nếu có) cuối ngày. Tuy đối với chi tiêu trong nhà, anh không quá can thiệp nhưng chị Thúy không thể tiêu riêng bất cứ đồng nào cho bản thân. Có lúc sắp phải đi đám cưới, chị ngỏ ý với chồng muốn mua váy mới, anh liền cằn nhằn “mặc đồ mới để cho thằng nào ngắm”. Điều khiến chị đau lòng nhất là mỗi lần vợ chồng mâu thuẫn, anh đều giễu cợt: “Cô không có tôi thì chỉ có nước ra đường ăn mày”. Ở nhà 10 năm, sinh 3 đứa con, cắm đầu vào chuyện tã lót, bếp núc, chị Thúy đúng là không còn tự tin để đi xin việc. Mỗi ngày chìa tay nhận từng đồng tiền chồng phát chẩn, chị cảm thấy nhục nhã, buồn tủi nhưng không có cách nào để thoát ra.

Ông Nguyễn Ngọc Quyết - Giám đốc Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội) cho biết, chèn ép, gây ức chế cho người vợ về mặt kinh tế cũng chính là một dạng bạo lực, gây tổn hại rất lớn đến đời sống tinh thần và sức khỏe của chị em. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng đó là quyền lực của chồng khi đó chính là những đồng tiền do anh ta bươn chải kiếm được. “Nhất là đối với những người phụ nữ nội trợ, sống lệ thuộc vào tiền lương chồng mang về. Người chồng bạo lực về kinh tế luôn cho rằng người vợ đang ăn bám, đang sống dựa vào anh ta chứ không nghĩ được rằng công sức của vợ đổ cho gia đình chính là đóng góp, là tiền bạc. Họ cho rằng nếu rời mình ra thì người vợ chết đói. Cũng không ít người vợ cho rằng mình không kiếm được tiền nên cho chồng “quyền sinh quyền sát”. Sự tự ti khiến chị em đánh mất khả năng phản kháng, bày tỏ quan điểm cho dù bất mãn, ức chế. Tuy nhiên, mối quan hệ kiểu “ông chủ và người làm” này không bao giờ nuôi dưỡng được hôn nhân hạnh phúc” - ông Quyết cho biết.

Còn chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc) cho biết, người chồng keo kiệt cũng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Cũng có thể là do anh ta lớn lên từ gia đình nghèo khó, cuộc sống chật vật nên tính căn cơ, tiết kiệm đã ngấm vào máu. Đối với tính ky kiệt này của chồng, người phụ nữ không nên ghét bỏ mà cần phải giúp chồng hiểu rõ: sự keo kiệt quá đáng sẽ khiến chất lượng cuộc sống bị tổn hại, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Nếu được vợ yêu thương, tin tưởng chắc chắn người chồng sẽ dần dần thả lỏng mình, chi tiêu một cách hợp lý hơn. “Phụ nữ nên có sự độc lập về kinh tế đối với chồng. Ngay từ khi yêu nhau hoặc sau đám cưới, người vợ nên chia sẻ với chồng quan điểm về tiền bạc của hai bên để cùng nhau điều chỉnh cư xử. Cho dù ở nhà làm nội trợ hay đi làm thì đóng góp của người vợ đối với gia đình không kém người chồng. Đừng để đến khi hành vi đã thành thói quen, thành quan niệm thâm căn cố đế sẽ khó thay đổi” - bà Lê Thị Túy nói.

Theo Theo An ninh thủ đô
MỚI - NÓNG