Tuần sau, nhiều địa phương cho học sinh, sinh viên trở lại trường?

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều trường học ở Hà Nội ủng hộ phương án cho học sinh sớm trở lại trường. Ảnh: Quỳnh Anh
Nhiều trường học ở Hà Nội ủng hộ phương án cho học sinh sớm trở lại trường. Ảnh: Quỳnh Anh
TP - Nhiều tỉnh, thành phố dự kiến cho học sinh tựu trường từ đầu tháng 11. Các trường đại học đã xây dựng kế hoạch mở cửa từng phần để đón sinh viên trở lại học trực tiếp.

Sau khi cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tựu trường từ 25/10, Bến Tre cho học sinh các cấp học còn lại (trừ mầm non)trở lại trường từ 1/11. Dự kiến ngày 1/11, Bình Dương cho học sinh lớp 12 đi học trực tiếp, trong khi Cần Thơ cho học sinh các cấp trở lại trường.

3 căn cứ

Bà Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai,Hà Nội, nói rằng, nhà trường ủng hộ phương án cho toàn bộ học sinh tựu trường từ đầu tháng 11. Thời điểm này có 3 căn cứ để trường học có thể yên tâm: Hà Nội có tỉ lệ khá cao người dân tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19; người dân nâng cao ý thức bảo vệ mình, cộng đồng; sắp tới tiêm vắc xin cho trẻ em.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội, từng đề xuất thành phố cho phép học sinh các trường ở “vùng xanh” đi học, sau 1-2 tuần theo dõi diễn biến của dịch bệnh, tiếp tục cho tất cả học sinh các cấp tới trường. Ông nói: “Chúng ta khó có thể đạt mục tiêu không có F0…Không thể đóng mãi cổng trường cho học sinh học trực tuyến trong 4 bức tường”.

Một khảo sát của Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh, Hà Nội cho thấy, 60% phụ huynh ủng hộ học sinh tựu trường từ ngày 1/11.

Lãnh đạo nhiều Sở GD&ĐT cho biết, một trong những căn cứ để quyết định việc cho học sinh đi học trở lại là hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về mức độ dịch tại địa bàn. Theo đó, cứ phường, xã có dịch ở mức độ 1-2, học sinh được đi học trực tiếp. Tại một số địa phương, số học sinh, giáo viên mắc COVID-19 tăng lên, khiến các trường phải khẩn cấp đóng cửa.

Tuy nhiên, trước đây khi có dịch, trường học đóng cửa trên diện rộng thì nay cơ quan chức năng khoanh vùng, chuyển đổi sang dạy học trực tuyến.

Chiều 27/10, bà Đỗ Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Việt Yên,tỉnh Bắc Giang, nói rằng, 3 học sinh tại 3 trường trên địa bàn huyện mắc COVID-19, do đó nhà trường phối hợp cơ quan y tế xét nghiệm, cách ly các trường hợp F1 liên quan, đồng thời chuyển sang dạy học trực tuyến chỉ ở các trường đó.

Sau khi phát hiện các trường hợp mắc và nghi mắc COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có 1 học sinh lớp 2 ở thành phố Hà Giang, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang đã cho học sinh mầm non, tiểu học và THCS ở thành phố nghỉ học đến khi có thông báo mới.

Tại Phú Thọ, từ khi bùng dịch đến nay có hơn 150 học sinh, giáo viên mắc COVID-19, nhưng tỉnh chỉ dừng học trực tiếp ở những trường có dịch và địa bàn có nguy cơ cao. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, nói rằng, nơi nào đang an toàn, các trường phải tận dụng thời gian để dạy học trực tiếp, hoàn thành chương trình.

Hai tháng sau lễ khai giảng năm học mới, Bộ GD&ĐT thống kê, hiện có 23 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp; 15 địa phương dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến, truyền hình; 25 địa phương dạy học trực tuyến, truyền hình.

Linh hoạt kế hoạch đón sinh viên

Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp, GS.TS Trần Văn Chứ, cho biết, khi nào UBND thành phố Hà Nội cho phép học sinh tựu trường thì Trường ĐH Lâm nghiệp sẽ mở cửa đón sinh viên học trực tiếp. Trường dự kiến đón sinh viên năm cuối phải làm khóa luận, sinh viên phải thực hành, thực tập trực tiếp trở lại trường từ ngày 10/11, nhưng sinh viên phải có giấy chứng nhận đã tiêm ngừa COVID-19, được test nhanh và ở trong trường theo diện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Giám đốc Trung tâm Thông tin truyền thông -Trường ĐH Mở Hà Nội, ông Đỗ Ngọc Anh, cho biết, khoảng 50% sinh viên của trường đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, 70% được tiêm 1 mũi.

“Vì vậy, nếu sinh viên về Hà Nội học tập trung cần được ưu tiên tiêm vắc xin tại nơi học tập. Trường đang đợi thêm một thời gian ngắn nữa, khi tỷ lệ người học được tiêm 2 mũi đạt khoảng 80% thì sẽ mở cửa từng phần đón sinh viên đến học trực tiếp”, ông nói.

“Việc cho sinh viên trở lại giảng đường học tập không thực hiện theo hình thức “dàn hàng ngang” mà theo từng ngành, theo khóa học, trên cơ sở khảo sát dịch tễ. Toàn bộ các đơn vị của ĐH Thái Nguyên khi tổ chức học trực tiếp đều làm đề án báo cáo chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương phê duyệt”. Ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban Công tác học sinh, sinh viên - ĐH Thái Nguyên

Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, cho hay, trường đã xây dựng các kịch bản cho việc dạy học trực tiếp như đón sinh viên khóa cũ lên trước, khóa mới lên sau, tổ chức tiêm vắc xin cho sinh viên.

MỚI - NÓNG