Theo PGS. TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, sau gần 30 năm hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Ngày 10/5/1941, trên danh nghĩa Quốc tế Cộng sản, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8, nhằm chuyển hướng chiến lược cách mạng nước ta cho phù hợp với tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến mau chóng. Theo sáng kiến của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1941,Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) được thành lập. Từ đó, cái tên Việt Minh đã gắn liền với những thắng lợi của dân tộc ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc suốt những năm 40 của thế kỷ XX. “Mặt trận Việt Minh là biểu hiện sinh động nhất sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp cách mạng, tư tưởng đó đã trở thành nền tảng của Đảng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân hiện nay”, ông Lý nhấn mạnh
Thực tiễn luôn thay đổi không ngừng, nhưng ông Lý khẳng định, tư tưởng của Hồ Chí Minh về Mặt trận Việt Minh vẫn đang tỏa sáng cùng với dân tộc, là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, phát triển trong thời kỳ hội nhập và mở cửa. Hiện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài học thành công của Đảng ta về xây dựng Mặt trận đoàn kết dân tộc nói chung và Mặt trận Việt Minh nói riêng có ý nghĩa chiến lược xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta từ trước đến nay.