“Tư tưởng Hồ Chí Minh: Giá trị nhân văn và phát triển“

“Tư tưởng Hồ Chí Minh: Giá trị nhân văn và phát triển“
Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học quốc gia, góp phần làm sáng tỏ và tôn vinh những giá trị nhân văn và phát triển trong tư tưởng Hồ Chí Minh – những giá trị đã, đang và sẽ soi sáng cho con đường đi tới tương lai của dân tộc Việt Nam.

Tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Văn phòng Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Tư tưởng Hồ Chí Minh: Giá trị nhân văn và phát triển". Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự và phát biểu tại hội thảo. 

Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015) và góp phần nhận thức sâu sắc hơn những nội dung và giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ, mặc dù tình hình trong nước và thế giới có những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc, nhưng tính đúng đắn, sức sống, sự sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam và xu thế thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị.

Những nội dung tư tưởng của Hồ Chí Minh từ tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, về xây dựng Đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, về xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, về đại đoàn kết dân tộc và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, đến tư tưởng về phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam, về giáo dục, về ngoại giao,… cũng như đạo đức, phong cách của Người đã trở thành những giá trị bền vững.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sợi chỉ đỏ xuyên suốt, hạt nhân cốt lõi là: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó chính là quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Vì vậy, Đảng ta xác định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục đào sâu nghiên cứu, nhận thức sâu sắc hơn, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, để kiên định, kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác – Lênin trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Giá trị nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh được biểu hiện vô cùng đa dạng và phong phú, thấm đượm trong toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, tỏa sáng trong những trước tác, trong từng việc làm, cử chỉ và mối quan tâm sâu sắc, ân cần đối với con người, với nhân dân, đất nước và nhân loại, nhất là nhân dân các dân tộc bị áp bức. Tất cả đều toát lên tình yêu thương, sự tôn trọng, thái độ khoan dung và niềm tin vào khả năng tự hoàn thiện của con người, khi được giải phóng, giác ngộ lý tưởng cách mạng cao quý. Hồ Chí Minh chủ trương và suốt đời phấn đấu xây dựng một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít thì hưởng ít, không làm không hưởng, người già yếu hoặc tàn tật được nhà nước giúp đỡ chăm nom, mọi người đều có điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy năng lực, sở trường của mình... Mục đích cao nhất của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là mong muốn con người được giải phóng triệt để và trở thành chủ nhân đích thực của đất nước, của thế giới. Với nghĩa như vậy, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là kết tinh của văn hóa, văn hóa Việt Nam, văn hóa nhân loại.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định, giá trị nhân văn trong hệ thống các giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh được tập trung ở hai nội dung cơ bản:

Một là, giá trị nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện nổi bật trong tư tưởng của Người, lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Hai là, giá trị nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trong những tư tưởng của Người trong xây dựng xã hội chủ nghĩa, trong đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giữa cái tốt với cái xấu, giữa cái cũ lạc hậu với cái mới tiến bộ, văn minh qua mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.

Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng đề nghị, các tham luận sẽ làm sâu sắc hơn về những giá trị dẫn đường bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh, những giá trị nhân văn và phát triển trong hệ thống các giá trị tư tưởng, đạo đức của Người. Qua đó, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, xây dựng đất nước ta dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, kế tục xứng đáng và hiện thực hóa tư tưởng vĩ đại, thấm đẫm tinh thần khoa học, cách mạng và nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại Hội thảo, các ý kiến, các tham luận đã làm sáng tỏ các nhóm vấn đề cơ bản: Giá trị nhân văn và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh trong xác định mục tiêu và con đường cách mạng Việt Nam; Giá trị nhân văn và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh về động lực của cách mạng Việt Nam; Giá trị nhân văn và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển xã hội. Giá trị nhân văn và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh có sức lay động hàng triệu con tim, khối óc không chỉ của những người Việt Nam mà còn với nhân dân yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên thế giới. Tư tưởng của Người không chỉ là sự cảm thông, chia sẻ với nỗi đau, mất mát, sự nhọc nhằn của con người mà quan trọng hơn cả là đã thức tỉnh, tổ chức họ đứng lên đấu tranh chống áp bức dân tộc, chống bất công xã hội, chống nghèo đói, lạc hậu, dốt nát, hướng tới độc lập, tự do, hạnh phúc bằng con đường thực sự cách mạng và khoa học, phản ánh mơ ước, nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với điều kiện thực tế của xã hội Việt Nam đồng thời phản ánh quy luật, xu hướng vận động của thời đại.

Thực tiễn luôn thay đổi không ngừng, bản thân Người đã từ biệt chúng ta về với thế giới người hiền nhưng giá trị nhân văn và phát triển trong tư tưởng của Người vẫn đang tỏa sáng cùng với dân tộc và thời đại. Tư tưởng của Người đã trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam; là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc. Giá trị nhân văn và phát triển của tư tưởng của Người là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại... nhằm xây dựng một nước Việt Nam phát triển, hướng tới con người, do con người và vì con người trong thời kỳ hội nhập và mở cửa. Nhiều luận điểm và mệnh đề trong tư tưởng nhân văn và phát triển của Người đang phản ánh hơi thở của thời đại, là những giá trị mà nhân loại đang nỗ lực để hướng tới.

Theo Theo Tuyên Giáo
MỚI - NÓNG