Từ tuần lộc Bắc cực đến lạc đà Bắc Phi

Những người thợ thăm dò - khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) tại Đại lộ mang tên Hồ Chí Minh ở Thủ đô Algeria Ảnh PVEP tại Algeria
Những người thợ thăm dò - khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) tại Đại lộ mang tên Hồ Chí Minh ở Thủ đô Algeria Ảnh PVEP tại Algeria
TP - Trong chặng bay từ sân bay Charles de Gaulle (Pháp) về vùng sa mạc Sahara của Bắc Phi, chúng tôi cùng đi với anh Phạm Văn Huy, bây giờ là phó Ban Công nghệ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

 >> Vẫn những người Nga ấy...

Những người thợ thăm dò - khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) tại Đại lộ mang tên Hồ Chí Minh ở Thủ đô Algeria Ảnh PVEP tại Algeria
Những người thợ thăm dò - khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) tại Đại lộ mang tên Hồ Chí Minh ở Thủ đô Algeria Ảnh PVEP tại Algeria.

Cái bằng cấp ngành dầu khí của Huy cũng là lạ. Năm 1973, mối quan hệ giữa Việt Nam và Algeria sau chuyến thăm của Tổng thống Boumediane như được nâng thêm một tầm cấp mới. Algeria đón một số lưu học sinh Việt Nam sang học về dầu khí trong đó có Huy.

Đến tận bây giờ Huy vẫn còn ngạc nhiên tại sao cấp trên mình lại tính xa được như thế? Huy cứ xuýt xoa cho việc tính xa ấy là miền Bắc XHCN mình chỗ nào có dầu có khí nhỉ? Hai miền Nam Bắc đang chia cắt, bom đạn mù trời, cho mãi đến khi đất nước thống nhất dân mình mới được nghe rằng thềm lục địa phía Nam người ta đã phát hiện ra dầu khí!

Năm 1959, khi thăm thành phố lọc hóa dầu Baku (thủ đô của Azerbaijan, thuộc Liên Xô trước đây), Bác Hồ đã nói, Việt Nam ta muốn giàu mạnh phải có nhà máy lọc hóa dầu. Rồi những năm đánh Mỹ ác liệt, nhiều lưu học sinh Việt Nam đã được chọn sang Baku, rồi Romania để học về ngành dầu khí. Chia trước ở thì tương lai xa cho cụm từ Việt Nam làm dầu khí rõ ra không có chuyện xổi với vội vàng bị động của một ngành kinh tế mũi nhọn sau này của đất nước.

Mỏ Bir Seba, nơi quân của Tổng Cty thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam tại Algeria làm việc, ban ngày mọi thứ hầm hập 50-60 độ C trong nắng gắt, ban đêm nhiệt độ đột ngột tụt xuống còn 10-5 độ.

Gần 30 năm sau, khóa lưu học sinh dầu khí Algeria có Huy chững chạc vị thế Phó Ban Công nghệ của Tập đoàn, còn Nguyễn Quốc Thắng hiện cắm chốt ở Algeria với cương vị trưởng Ban Hỗ trợ sản xuất của Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí PVEP.

Trâu chậm uống nước đục. Chẳng dè câu ngạn ngữ ấy vận vào PVN lẫn Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam tại Algeria (PVEP- Algeria) có cái đúng. Chiến lược đầu tư ra nước ngoài để đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài cho quốc gia của PVN đành một nhẽ muộn còn hơn không nhưng những phần tạm gọi là ngon ngon ở các quốc gia dầu mỏ thì các tập đoàn dầu khí nước ngoài đã cắm chốt từ đời nào.

Nga và các nước SNG có chỗ cho những cỡ be bé nho nhỏ như mức độ đầu tư của PVN không? Cũng có cái may là cánh tay hào phóng của Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, hai năm trước vừa dang ra, ta đã mau mắn có mặt ở vành đai dầu nặng Orinoco với mức đầu tư trên 3 tỷ USD.

Và bây giờ ở xứ Algeria đây, mặc dù đã lường đã tính, nhưng như thiên hạ vẫn nói do nhiều nguyên nhân, mãi cho đến năm 2000, những đơn vị của PVN mới mon men đến đất Algeria rồi phải lang thang tiếp đến đất sa mạc Sahara cũng bởi đã hết những chỗ tốt.

Một góc thành phố dầu mỏ Hassi Messaoud, nơi các cán bộ dầu khí Việt Nam đang làm việc
Một góc thành phố dầu mỏ Hassi Messaoud, nơi các cán bộ dầu khí Việt Nam đang làm việc.

Có lẽ duyên do đó cộng với hệ thống chưa hoàn chỉnh của hành lang pháp lý cho việc đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, rồi quy trình thẩm định phê duyệt dự án phải qua nhiều cấp lắm tầng nấc, mất nhiều thời gian, không phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là với cơ hội mua mỏ... nên quân của PVN, chả hạn như ở Algeria đây đã gặp không ít những khó khăn trắc trở!

Trong điều kiện ấy, quân của PVN như tướng ngoài biên ải, lĩnh ấn tiên phong trong việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài để đảm bảo an ninh năng lượng cho tổ quốc, đã phối hợp nhịp nhàng trong nước ngoài nước, khắc phục khó khăn để một thời gian ngắn nữa sẽ phụt lên những dòng dầu đầu tiên do PVN khai thác. Thời gian ngắn nữa là bao lâu?

Cuối năm 2004, trong nhóm báo chí tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Algeria, chúng tôi cũng được ghé qua cơ quan đại diện PVEP và được giới thiệu sơ qua về mỏ Bir Seba với những thông số lẫn tiến độ khả quan...

Sáu năm qua, hàng trăm lượt cán bộ, công nhân kỹ thuật của PVN đã thay nhau bám trụ ở Algeria. Không hề ngập ngừng, các anh Nguyễn Quốc Thắng, Lê Bá Tuấn, giám đốc PVEP tại Algeria thông báo cụ thể về mỏ Bir Seba như thế này: Mỏ nằm trong vùng Tougggourt sâu trong sa mạc Sahara, cách thủ đô Alger gần 600 km.

Hợp đồng PSC được ký ngày 10-7-2002 và có hiệu lực ngày 30-6-2003. Tỷ lệ ăn chia (theo tỷ lệ góp vốn) như sau: Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) 40%, Thái Lan 35%, Sonatrach (Tập đoàn dầu khí quốc gia Algeria) 25%. Mỏ được chính thức công bố thương mại vào ngày 28-4-2008.

Sau 7 năm tích cực triển khai công tác thăm dò- thẩm lượng, đề án đã phát hiện 2 mỏ dầu tại sa mạc Sahara. Mỏ Bir Seba đã được nước chủ nhà phê duyệt kế hoạch phát triển và mỏ MOM đang được PVEP đệ trình lên các cơ quan chức năng của Algeria xem xét phê duyệt.

Cũng cần nói thêm, trữ lượng thu hồi của Bir Seba là 184 triệu thùng. Ngoài ra còn 147 tỷ m3 khí. Tuổi thọ mỏ là 22 năm. Sản lượng đỉnh là 36 ngàn thùng/ngày. Hiện tại kế hoạch đang được triển khai để phát triển mỏ với 2 giai đoạn.

Giai đoạn I sẽ khoan 12 giếng khai thác để quý 3 năm 2013 có dòng dầu đầu tiên với sản lượng 20 ngàn thùng/ngày. Giai đoạn II sẽ khoan 22 giếng khai thác vào năm 2016 với sản lượng 36 ngàn thùng/ngày.

Tôi ngồi lâu hơn với quân của PVEP đang bám trụ ở Algeria xứ Bắc Phi này. Không được ngắm những đàn tuần lộc phương Bắc như anh em nhà Cao Mỹ Lợi ở Nhenhezky nhưng bù lại anh chị em của PVEP được ngắm những đàn lạc đà xứ sa mạc Sahara.

Ngắm là một cách nói cho nhẹ, cho thuyên giảm đi nỗi gian nan của những người thợ dầu khí phải đi làm ăn ở xứ sa mạc. Ngoài Tuấn, Thắng, những Nguyễn Mạnh Trí (bí thư chi bộ PVEP Algeria), Nguyễn Quang Hải (trưởng phòng TC- HC), Hùng Sơn (phụ trách hành chính), Vương Thuý Hà (thương mại), Phan Diệu Linh (môi trường), Lê Thị Minh Tâm (kỹ sư hóa), chị Mười (nhân sự), Bùi Nguyên Banh (khoan)... từ bản doanh ở Algeria đã phải thay phiên nhau về nơi gió cát của mỏ Bir Seba mà làm việc.

Ban ngày mọi thứ hầm hập 50-60 độ trong nắng. Ban đêm đột ngột tụt xuống 10 hoặc 5 độ. (Những thợ người Algeria theo đạo Hồi cùng làm việc với anh chị em mình trong tháng Ramadan khắc nghiệt, mồ hôi dầm dề trên hiện trường như cái chảo lửa như thế khát khô họng mà chỉ dám nhấp một tí tẹo nước rồi lại phải lén quay đi nhổ xuống cát bỏng. Cả ngày phải nín chịu như thế đến khi ánh mặt giời tắt hẳn thì mới được ăn uống).

Tiêu chuẩn cứ 10 tuần được về Việt Nam một lần. Nhưng có vé rồi nối chuyến từ Algeria qua mấy hãng hàng không dằng dặc đường trời có bao thứ trục trặc này khác! Tiêu chuẩn vé ấy có thể hoán đổi cho người thân sang Algeria nhưng nghiệt nỗi thủ tục nhập cảnh mời thăm thân của nước sở tại lại rất khó khăn. Vậy nên đành chịu.

Tôi được ngó tấm hình chụp cảnh đón giao thừa trên website của anh chị em PVEP. Khung cảnh đáng ra phải hoan hỷ ấy mà tịnh không một nụ cười trên bao gương mặt đủ biết sức nặng tâm lý mà anh chị em mình phải gánh.

Các chuyên gia dầu khí Thái Lan cùng chung dự án sinh hoạt thường khép kín nhưng anh chị em PVEP lại mở! Mở là việc duy trì bếp ăn tập thể, thường xuyên thi đấu bóng đá giao hữu với bạn Algeria, đăng cai các giải thi đấu thể thao, tổ chức Tết trồng cây, phong trào ủng hộ nhà giàn DK tít mãi Trường Sa, giao lưu với sứ quán...

Rồi phong trào nghiên cứu khoa học và tự đào tạo. Họ đã tổ chức 1 tháng 1 lần các buổi đào tạo chéo giữa các phòng ban nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn chung. Ngoài rèn luyện kỹ năng thuyết trình cùng sự tự tin, những buổi tự đào tạo ấy bao trùm một không khí thú vị, luôn đầy ắp tiếng cười.

Ngồi một mình trước màn hình để vào trang http://pevepalgeria.net riêng của nhà PVEP Algeria với những nick ngộ nghĩnh như cối xay gió, côco, bin... tôi bao bận phải phì cười bởi khả năng trào lộng của những người làm dầu khí nơi đất khách. Những truyện ngắn, bài thơ, câu chuyện của anh chị em biểu hiện biết bao nhiêu sắc thái phong phú của đời sống nội tâm Việt mang lại cảm giác ấm áp ngạc nhiên cho bao người.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG