Từ trong cội nguồn, Việt Nam luôn đề phòng tai họa từ biển

PGS.TS Vũ Văn Quân, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV giới thiệu cuốn sách Nguyễn Hải Kế với Lịch sử và Văn hóa Việt Nam
PGS.TS Vũ Văn Quân, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV giới thiệu cuốn sách Nguyễn Hải Kế với Lịch sử và Văn hóa Việt Nam
TPO - Ngày 29/6, tại Trường ĐH KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhân tưởng nhớ một năm ngày mất của PGS, TSKH, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hải Kế, Khoa Lịch sử đã phối hợp cùng gia đình cho ra mắt cuốn sách với nhan đề “Nguyễn Hải Kế với lịch sử và văn hóa Việt Nam”.

Cuốn sách dày dặn với  691 trang, được nhóm các thầy cô giáo của Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội chọn lọc, biên tập trong số các công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu của nhà khoa học Nguyễn Hải Kế.

Tại Lời giới thiệu cuốn sách do Giáo sư sử học, Nhà giáo Nhân dân Phan Đại Doãn chấp bút cho biết “Cái tạo nên ấn tượng Nguyễn Hải Kế trong nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam không phải ở số lượng công trình, bài viết được công bố, mà là ở sự tìm tòi, phát hiện, đôi khi ngay tại chính những điều tưởng chừng như ai cũng biết cả rồi và đã có nhiều người làm rồi. Nhưng tìm tòi, phát hiện đó có khi rất cụ thể nhưng lại trở thành những luận đề lớn, những định hướng nghiên cứu lâu dài”.

Một trong những luận đề lớn trong cuốn sách có thể tìm thấy tại cuốn sách nằm trong bài viết có tựa “Biển Đông - Muôn ngả đường tiếp xúc, giao lưu văn hóa của Việt Nam”. Trong đó một luận điểm được PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế khẳng định bằng những luận cứ khoa học đó là: “Người Việt Nam luôn chủ động đề phòng những tai họa từ biển vào”.

PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế cho rằng”Biển Đông luôn luôn là trường giao thương hàng nội địa Bắc – Nam và quốc tế, là trường tiếp xúc rộng lớn trong mọi tình huống suốt chiều dài lịch sử của đất nước Việt Nam”.  Trên bờ biển dài hơn 3.200km của Việt Nam có tới 112 cửa sông đồng loạt đổ ra biển bình quân cứ 10km lại có một con sông đổ ra biển, trong đó  “Nhiều cuộc tiếp xúc “bất đắc dĩ” với các nước bên ngoài của Việt Nam từ biển”.

Bài viết đã có những thống kê cho thấy biển Đông không êm đềm, lặng sóng  bởi nơi đây có nhiều bão tố, phong ba và cũng là nơi bắt đầu các cuộc xâm lăng của ngoại bang. Từ 938 quân Nam Hán vượt biển, vào Bạch Đằng. Thế kỷ XII, quân Tống do Hòa Mâu và Dương Tường Tiên chỉ huy đem thủy quân vào hải phận Đại Việt muốn vào cửa Bạch Đằng nhưng bị quân Đại Việt chặn và cô lập. 

Năm 1282, nhà Nguyên điều 1000 chiến thuyền do Toa Đô chỉ huy, theo biển tấn công và cửa biển Thị Nại - Quy Nhơn, rồi vượt ra bắc.  Trong cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ 3, cánh quân thủy do Ô Mã Nhi cầm đầu vượt biển vào Vạn Ninh (Mong Cái, Quảng Ninh), tiếp đó là chiến thuyền chở 70 vạn thạch lương của Trương Văn Hổ cũng theo biển tiến vào. Cuối thế kỷ XIX: năm 1858, tàu chiến của Liên quân Pháp - Tây Ban Nha từ biển tấn công vào Đà Nẵng. Năm 1860, tàu chiến Liên quân này bắn phá cửa Cần Giờ. Năm 1873, tàu chiến quân Pháp theo biển từ Nam ra Bắc tấn công thành Hà Nội...

Từ trong cội nguồn, Việt Nam luôn đề phòng tai họa từ biển ảnh 1

GS. TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội tại lễ ra mắt cuốn sách Nguyễn Hải Kế với Lịch sử và Văn hóa Việt Nam

Với những thách thức từ các thế lực ngoại bang tiến vào từ biển, trong phần sau, PGS, TSKH Nguyễn Hải Kế vẫn khẳng định rằng, “biển là nhân tố bộc lộ tính cách văn hóa Việt Nam, thế ứng xử của văn hóa Việt Nam” trong đó nhấn mạnh, “người Việt Nam luôn chủ động đề phòng tai họa từ biển vào trong nhiều hoàn cảnh”. 

Ví dụ như “các chính quyền nhà nước ở Việt Nam không phải ngẫu nhiên mà coi “Hải tần phòng thủ” thành chiến lược truyền từ đời này sang đời khác. Các vương triều Đại Việt đều ý thức về chủ quyền đã đánh dấu mà nhiều vụ trực tiếp đi tuần tra biển”. Từ vua Lý Anh Tông đến vua Lê Thánh Tông, từ thời Gia Long đến Tự Đức, các vua quan đều chú ý tới biển, bảo vệ chủ quyền và khai thác biển. 

CỤ thể, vua Minh Mệnh từng ban dụ cho bộ Binh: "Nước nhà ở về phương Nam, đất nhiều phần biển, thủy quân là rất quan trọng. Chính nên huấn luyện cho thông thuộc, biết rõ đường biển thì lúc có việc mới mong đắc dụng, phải tập tành cho biết rõ đường sông, đường biển, chỗ nông, chỗ sâu, chỗ khó, chỗ dễ, đâu có cù lao, hòn đảo, đá ngầm, thác ghềnh" (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên).

Trên biển, trong lịch sử, chính trong hoàn cảnh tiếp xúc “bất đắc dĩ” ấy cái căn cốt tạo thành bản lĩnh rõ ràng của văn hóa Việt Nam, thành cội nguồn, thống nhất và trào dâng sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Không ngẫu nhiên mà hình thái của chủ nghĩa yêu nước được Hồ Chí Minh chỉ ra bằng hình tượng “kết thành một làn sóng”. Khi mọi năng lượng văn hóa yêu nước, đa dạng và phong phú ấy kết hợp, kết thành “một làn sóng” mới tạo thành nguồn năng lượng “vô cùng mạnh mẽ, lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ cướp nước và lũ bán nước” mà Việt Nam mới trường tồn trước những thử thách khốc liệt của các cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước.

Những Bạch Đằng năm 938 và 1288 của thế kỷ XIII, “Đường mòn” trên biển của thế kỷ XX là thể hiện rõ ràng ý chí, bản lĩnh Việt Nam trong cuộc trường kỳ vì Độc lập, Tự do của toàn dân tộc.

PGS.TS Nguyễn Hải Kế cũng khẳng định “Vượt qua những mất mát hy sinh, các thế hệ cư dân Việt Nam đã cộng tồn ngàn đời với môi trường biển rộng lớn, thường xuyên như vậy nên chính biển, tại biển đã kết tinh những đặc điểm nổi bật của văn hóa Việt Nam. Vì lẽ sinh tồn, cư dân Việt Nam không chối từ tiếp xúc, giao lưu kinh tế văn hóa từ biển cả. Đó là lẽ sinh tồn của chính mình, của cộng đồng từ gia đình đến cộng đồng quốc gia, dân tộc. Đó là một BẢN LĨNH VĂN HÓA của đất nước này, của dân tộc này với BIỂN”.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.