Từ nhân viên bảo vệ đến diễn viên ngờ nghệch Đức Khuê

Đức Khuê ngoài đời rất hài hước và gần gũi.
Đức Khuê ngoài đời rất hài hước và gần gũi.
Không phải ai cũng biết Đức Khuê, người gắn liền với câu "Trời không mưa mà mặc áo mưa" từng làm bảo vệ, soát vé trước khi đến với nghề diễn viên.

Toàn bị giao vai "dở hơi cám hấp"

Sở hữu ngoại hình đáng tin cậy, chậm chạp và có phần hơi ngờ nghệch, chính vì vậy Đức Khuê cũng thường bị giao những vai diễn ngô nghê, hiền lành. Cách đây hơn chục năm, anh đã từng khiến làng hài điên đảo với câu thoại kinh điển: "Trời không mưa mà mặc áo mưa" trong tiểu phẩm Bệnh nói nhiều của chương trình Gala cười - Gặp nhau cuối tuần. Sau này, Đức Khuê còn tiếp tục ghi dấu ấn với vai diễn trong phim Lập trình trái tim với câu cửa miệng của nhân vật: "Anh thề, anh hứa, anh đảm bảo".

Gần đây Đức Khuê trở lại màn ảnh trong bộ phim truyền hình Đối thủ kỳ phùng đang phát sóng trên VTV1. Đây là lần đầu tiên anh vào vai nhà báo, lại là nhà báo mê tiền lẫn mê gái, Đức Khuê phần nào đã thay đổi hình ảnh mà người ta đã mặc định về anh trên phim. Không còn ngố ngố, ngờ nghệch như trước nữa. Đức Khuê nói thời gian đóng Đối thủ kỳ phùng, anh không chỉ bận rộn với công việc của Nhà hát Tuổi Trẻ mà còn phải chia sẻ thời gian với bộ phim điện ảnh Em là bà nội của anh nên không có thời gian nghiên cứu về nghề nhà báo, cứ vào phim là diễn thôi.

Thêm nữa, vai diễn tập trung vào con người của nhân vật nhà báo Quốc Thành nên Đức Khuê không bị áp lực diễn sao cho ra tác phong một nhà báo. "Khi nhận kịch bản Đối thủ kỳ phùng, tôi thích nó vì sự thay đổi trong mô típ các nhân vật mà mình từng đảm nhiệm trước đây mà hầu hết là những vai khù khờ, ngô nghê. Sau Bánh đúc có xương, khán giả khá hứng thú với vai diễn hài hước, rất dở hơi cám hấp của tôi nhưng vai diễn này lại được đón nhận kiểu khác", Đức Khuê chia sẻ.

Có phải do ngoại hình mà anh luôn bị đóng khung bởi những vai diễn ngờ nghệch, ngô nghê? trước câu hỏi này, Đức Khuê bảo là diễn viên thì đem hình thể, giọng nói và tất cả những gì mình có để thể hiện cho ra nhân vật để đạt thông điệp của một vở kịch, một bộ phim truyền hình hay tác phẩm điện ảnh. "Thân hình mình chỉ có vậy thôi, già và xấu, không được đẹp lắm nên chỉ đóng vai tính cách thôi. Vai hoàng tử đẹp giai được yêu công chúa là không có rồi. Nên mình thường vào những vai thuộc mô típ khổ khổ, thương thương, tội tội".

Liệu có khi nào Đức Khuê muốn lột xác thể hiện những vai mưu mô xảo quyệt, khác hoàn toàn so với những vai diễn anh đã bị đóng khung trong suy nghĩ của khán giả? "Tại sao không? Chỉ sợ không thể hiện hết", anh đáp. Đức Khuê luôn chờ đợi những vai diễn như vậy nhưng lại sợ khán giả vốn đã quen với những mô típ nhân vật quen thuộc anh đảm nhiệm sẽ không dễ dàng gì tiếp nhận sự thay đổi đó.

Vợ chồng cùng nghề chưa chắc đã dễ dàng

Vào vai một nhà báo ham mê tửu sắc trong Đối thủ kỳ phùng, Đức Khuê chia sẻ rằng vợ anh không theo dõi thường xuyên phim của chồng khi phát sóng nhưng có xem lại trên youtube. Chị chỉ nhận xét một câu: "Dạo này cũng thay đổi đấy!". Những tưởng một diễn viên có vợ làm cùng nghề, lại cùng một nhà hát sẽ nhận được sự ủng hộ tuyệt đối trong công việc, không có hiểu lầm hay trách móc nhưng Đức Khuê bảo chả hẳn là như thế.

Từ nhân viên bảo vệ đến diễn viên ngờ nghệch Đức Khuê ảnh 1 Đức Khuê nói vợ anh không ghen khi chồng vào vai nhà báo hám gái trong Đối thủ kỳ phùng.
'Tổ ấm gia đình là sự kết hợp giữa mỗi thành viên và cần phải có sự chia sẻ, cảm thông, hy sinh, cho và nhận. Mình không dám khẳng định được hoàn toàn nhưng dù sao sự chia sẻ của mình trong công việc và vợ, quan trọng đã hiểu nhau". Vốn là một người trầm lặng và kín tiếng về đời tư nên Đức Khuê nhất quyết không khai gì thêm về vợ, chỉ nói rằng một nửa của anh rất trầm lặng và bình thường. Ít ai biết trước khi đến với nghề diễn viên, Đức Khuê đã có một thời gian làm bảo vệ, soát vé tại Nhà hát Tuổi trẻ. Học xong, không có việc làm, anh xin vào đây làm thêm và không ngờ đó là cơ duyên để gắn bó với lâu dài sân khấu. Khi Nhà hát tuổi lớp diễn viên kịch mới, Đức Khuê đăng ký tham gia. Đạo diễn Phạm Thị Thành và Lê Hùng khi đó nói với Đức Khuê: "Trông người cao ráo sáng sủa thế này, vào thử vai xem nào". Thế là thử và được tuyển. Dù gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng Đức Khuê đã đến với nghề diễn tình cờ như thế. Vai diễn chính đầu tiên của Đức Khuê là vai một ông lão 60 tuổi trong Người lang thang không cô đơn dù khi đó anh mới 26. Kết duyên tình cờ với sân khấu khi không còn quá trẻ, Đức Khuê không ngờ chặng đường sau đó kéo dài tới hàng chục năm. Anh không chỉ gắn bó với sân khấu, với điện ảnh và rất nhiều bộ phim truyền hình mà nhà hát Tuổi Trẻ còn mang đến cho mình một người vợ.
Từ nhân viên bảo vệ đến diễn viên ngờ nghệch Đức Khuê ảnh 2 Tạo hình ngô nghê của Đức Khuê trong bộ phim điện ảnh Em là bà nội của anh sắp ra rạp.
Làm việc cùng nhà hát, cũng tiện hơn bao người vì hai người chỉ cần chở nhau đi 1 xe đến nơi làm việc? trước thắc mắc này, Đức Khuê nói: "Không có đâu! bây giờ việc ai nấy đi, rồng rắn thế thì chết. Thời yêu nhau nói thật là có nhưng khi đã góp gạo thổi cơm chung thì thôi". Chưa từng là diễn viên ở hạng top nhưng Đức Khuê đã dần dần xây dựng hình ảnh của mình là một nghệ sĩ làm việc nghiêm túc, cần mẫn, đi lên bằng thực lực bản thân. Chính vì vậy các dự án phim có anh tham gia đều có được độ tin cậy cần thiết.
Theo Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.