Chiều 15/7, trung tâm vùng áp thấp nằm ngay trên khu vực phía Nam vịnh Bắc bộ. Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, ở đảo Cô Tô đã có gió giật mạnh cấp 7.
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp hầu như ít dịch chuyển và có xu hướng mạnh dần lên. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, vùng áp thấp dịch chuyển chậm theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 5km/h và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 13 giờ ngày 16/7, áp thấp nhiệt đới nằm ngay trên vùng biển các tỉnh Thanh Hóa-Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 50km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. Sau đó, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chậm theo hướng tây tây nam, với tốc độ khoảng 5 km/h.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, sau có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, trong chiều và đêm nay (15/7), ở khu vực vịnh Bắc bộ tiếp tục có mưa rào và dông, từ tối và đêm nay gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong chiều và đêm nay (15/7), trên biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh.
Khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-4m; biển động mạnh.
Trong khi trên đất liền, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp cao cận nhiệt đới lấn mạnh về phía Tây, nên từ ngày 15 đến hết ngày 18/7, ở khu vực Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên- Huế có mưa vừa, mưa to.
Riêng khu vực Đông Bắc, Đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to. Trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh nên trong 2-3 ngày tới tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm.
Các tỉnh vùng Đông Bắc và Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình tình hình rủi ro thiên tai cấp 2, nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất.
Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện, yêu cầu từ các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, bám sát diễn biến của áp thấp để để thông báo, hướng dẫn cho tàu thuyền di chuyển.
Các địa phương tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển, giữ liên lạc thường xuyên với tàu thuyền để xử lý kịp thời khi có tình huống xấu; kiểm đếm chặt chẽ ra khơi của các tàu thuyền, hoạt động kinh tế trên biển và ven biển để đảm bảo an toàn về người và tài sản.